Phát hiện thành phố cổ gần ngàn năm tuổi ở Mexico

18/02/2018 - 19:06

Các nhà khảo cổ đã tìm ra một thành phố cổ khổng lồ với hơn 40.000 công trình lớn nhỏ, ẩn sâu bên dưới lớp đất đá của trung tâm Mexico.

Cách đây không lâu, bằng phương thức quét tia laser hiện đại, các nhà khảo cổ đã tìm ra được hàng chục ngàn công trình kiến trúc cổ ở rừng rậm Guatemala. Nay cũng bằng công nghệ này, các nhà khoa học tiếp tục tìm ra được một thành phố cổ ở Mexico.

Thành phố cổ dưới lòng thành phố

Bằng công nghệ LIDAR tiên tiến, các nhà khảo cổ đã tiếp tục tìm ra được một thành phố cổ khổng lồ với hơn 40.000 công trình lớn nhỏ khác nhau, ẩn sâu bên dưới lớp đất đá của trung tâm Mexico.

Phát hiện thành phố cổ gần ngàn năm tuổi ở Mexico - ảnh 1
Thành phố Angamuco dưới máy quét bằng công nghệ LIDAR rộng 26 km2. Ảnh: C.Fisher

Thành phố vừa được khám phá này được gọi là Angamuco, do các nhà khảo cổ Mỹ tìm ra. Thành phố này rộng tầm 26 km2, được cho là thuộc vào thời thống trị của người Purepecha - tộc người từng xây dựng nền văn minh rực rỡ tại miền Trung Mexico từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 16. Ngày nay, người Purepecha vẫn tồn tại và đang sinh sống ven hồ Patzcuaro (miền Tây Mexico).

"Thật khó có thể tin được có một thành phố tuyệt vời như vậy ở trung tâm Mexico mà không một ai hay biết"- Chris Fisher, nhà khảo cổ học từ ĐH Colorado, nói về công trình nghiên cứu ở Mexico.

Các nhà khoa học ước tính khoảng 100.000 người từng sống tại Angamuco trong thời đại hoàng kim của thành phố này, khoảng năm 1000-1300. Điều này có thể xuất phát từ sự màu mỡ của đất đai canh tác do thành phố nằm trên nền đất được bồi đắp bởi nham thạch núi lửa trong hàng ngàn năm.

Phát hiện thành phố cổ gần ngàn năm tuổi ở Mexico - ảnh 2
Một số công trình tại Angamuco được phát hiện nhờ công nghệ LIDAR. Ảnh: C. Fisher

Các bằng chứng mới nhất thu thập được từ thực địa cho thấy Angamuco đã trải qua hai thời kỳ phát triển và một giai đoạn suy tàn trước khi người Tây Ban Nha đặt chân đến vùng đất này vào thế kỷ 17, chấm dứt sự thống trị của các triều đại người bản địa.

 

Nhóm khảo cổ học người Mỹ cũng phát hiện sự bất thường trong quy hoạch không gian của thành phố ngàn tuổi này. Những công trình mang tính biểu tượng của thành phố như kim tự tháp, các địa điểm tập trung của người dân được xây ở tám khu vực ngoài rìa thành phố, thay vì tập trung ở trung tâm như các thành phố cổ đại khác được tìm thấy ở Trung Mỹ.

Kỳ vọng từ công nghệ LIDAR

Từ năm 2011, công nghệ LIDAR bắt đầu được sử dụng. Công nghệ này mang lại những hình ảnh quý giá với độ phân giải cao về thành phố cổ đại, từ các kim tự tháp, các đền thờ cho tới hệ thống đường giao thông, kênh rạch thủy lợi.

Các nhà nghiên cứu cho biết công nghệ LIDAR, viết tắt của Light Detection And Ranging (vẽ bản đồ địa hình từ trên không bằng tia laser), cho phép quét được những vật thể nằm bên dưới lớp đá dày đặc.

Phát hiện thành phố cổ gần ngàn năm tuổi ở Mexico - ảnh 3
Quần thể kiến trúc cổ vừa được tìm thấy ở rừng rậm vùng Peten, Guatemala nhờ vào công nghệ LIDAR tiên tiến. Ảnh: EPA

Hồi đầu tháng, các nhà khoa học cũng đã dùng công nghệ tiên tiến này để tìm ra được một quần thể kiến trúc khổng lồ theo lối kiến trúc cổ của người Maya ẩn sâu giữa rừng rậm ở vùng Peten, Guatemala. Quần thể kiến trúc bao gồm 60.000 ngôi nhà, bốn trung tâm cúng tế và một kim tự tháp cao 30 m. Ước tính từng có khoảng 10 triệu người Maya sống tại khu vực này trước đây.

Tới nay, hơn 7.000 kiến trúc khảo cổ được xác định bởi công nghệ LIDAR đã được các nhóm thám hiểm mặt đất xác nhận.

Fisher cho biết hiện nhóm của ông đang tiếp tục ứng dụng công nghệ LIDAR này để nghiên cứu một di chỉ khảo cổ khác ở Mosquitia (Đông Bắc Honduras), nơi được cho là có sự tồn tại của thành phố cổ Jaguar. Tại đây, các nhà khoa học bước đầu xác định được sự tồn tại của nhiều bậc thang, các công trình công cộng, kênh rạch thủy lợi trên tổng diện tích khoảng 3 km2.

TÚ QUYÊN