Phát huy giá trị báu vật của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

19/05/2023 - 04:47

 - Kinh lá buông được xem là tài sản vô giá, chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, được truyền từ đời này sang đời khác. Nếu được bảo tồn và phát huy tốt, có thể đưa kinh lá buông vào bản đồ nghiên cứu về sách viết lá trên thế giới; khai thác giá trị du lịch.

Vừa qua, trưởng lão hòa thượng Chau Ty (pháp danh Khanh Đek Kô) đã được Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2022 - 2027) suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là thành quả xứng đáng, bởi bên cạnh vai trò trụ trì chùa Soài So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn), hòa thượng Chau Ty còn được biết đến là nghệ nhân nắm giữ kỹ thuật khắc chữ Pali, Khmer trên lá buông, được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam lần lượt phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” (ngày 12/11/2015), “Nghệ nhân nhân dân” (ngày 8/3/2019) vì “Đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc”.

Trưởng lão hòa thượng Chau Ty (giữa) chia sẻ tại hội thảo

Nhập tu tại chùa Soài So năm 19 tuổi (1960), trở thành trụ trì năm 1985, trong hơn 60 năm tu học, hòa thượng Chau Ty đã nỗ lực giữ gìn, sáng tạo và phát triển kinh lá buông. Ông cùng các sư sãi chùa Soài So còn tổ chức dạy kỹ thuật khắc chữ Pali, Khmer trên lá buông, góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quan trọng này.

Mới đây, tại chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn), Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể  kinh lá buông”. Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhân sĩ, trí thức, đặc biệt là hòa thượng, thượng tọa, đại đức trụ trì các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer khu vực ĐBSCL. Trong đó, trưởng lão hòa thượng Chau Ty tham dự với tư cách vừa là Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vừa là nghệ nhân duy nhất biết rành kỹ thuật khắc chữ Pali, Khmer trên lá buông.

Theo thượng tọa, ThS Thạch Nê (Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Phước) và đại đức, ThS Danh Hữu Lợi (Ủy viên Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam), người Khmer có tiếng nói và chữ viết, riêng hệ thống kinh sách được sử dụng theo hệ ngữ Pali. Từ đó, ngữ hệ Pali tiếp biến vào ngôn ngữ Khmer, làm cho ngôn ngữ Khmer đa dạng và phong phú. Khi chưa có giấy, người Khmer ghi chép trên bia đá, lá buông (satra). Trong đó, lá buông được xem là bước ngoặt lịch sử của người Khmer trong việc lưu trữ văn bản.

Thượng tọa, ThS Thạch Nê nhấn mạnh, kinh lá buông chứa đựng nội dung giáo lý của Phật giáo, triết học, kinh nghiệm sống, văn thơ, những mẩu chuyện dân gian đúc kết lại. Kinh lá buông được xem như một quyển sách, ghi lại thông tin, lưu giữ và bảo tồn văn hóa bản địa. Trong Phật giáo, kinh lá buông lưu giữ lại Tam tạng kinh điển, Satra Sêch-sa, Satra Pra-vê-ni, Phật tích, truyện ngắn liên quan đến Đức Phật, được dùng phổ biến trong các buổi thuyết pháp nhân dịp lễ lớn, nhỏ theo truyền thống Phật giáo.

“Ngoài ra, kinh lá buông còn mang giá trị lịch sử to lớn đối với người Khmer, thông qua số năm được viết trên trang đầu của satra. Có những satra, người viết không để lại năm, thông qua đó có thể nhận biết đôi nét về phong tục và nền giáo dục của người Khmer thời xưa” - thượng tọa, ThS Thạch Nê khẳng định.

Đại diện Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang cho rằng, nội dung khắc trên lá buông lưu lại giá trị tinh túy, gắn liền với cuộc sống thường nhật, lao động trên miền sông nước của đồng bào DTTS Khmer Nam Bộ. Khi công nghệ sản xuất giấy phát triển, việc sử dụng lá buông để ghi chép tài liệu, kinh văn không còn phổ biến, kinh lá buông được người Khmer xem như báu vật linh thiêng, thường được bảo quản, lưu trữ tại chùa để mọi người chiêm bái.

TS Phan Thanh Định (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) cho biết, qua thời gian dài, những bản kinh lá buông đang dần bị hư. Cùng với đó, nghệ nhân chế tác kinh lá buông không còn nhiều; kỹ thuật xử lý nguyên vật liệu và khắc chữ trên lá buông dần mai một, nên các bản kinh lá buông ngày càng ít. Vì vậy, hoạt động nghiên cứu về kỹ thuật chế tác, khắc chữ trên lá buông cũng như việc giữ gìn các bản kinh lá buông đã có là rất cần thiết. Từ đó, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào DTTS Khmer Nam Bộ.

“Các tham luận gửi về hội thảo là sự đóng góp quý giá, làm sáng tỏ thêm, không chỉ là vấn đề liên quan đến bảo tồn di sản kinh lá buông, mà còn chỉ ra phương pháp hữu hiệu để phát huy giá trị di sản; góp phần vào kho tàng, công trình nghiên cứu quốc tế; đưa kinh lá buông của Việt Nam vào bản đồ nghiên cứu về sách viết lá trên thế giới” - TS Phan Thanh Định nhấn mạnh.

HOÀNG XUÂN