Phát huy giá trị căn cứ Ô Tà Sóc

28/06/2023 - 05:22

 - Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, căn cứ Ô Tà Sóc được xem là trái tim, là biểu tượng ý chí kiên cường của quân - dân An Giang. Để xứng đáng với bao công sức, xương máu của ông cha đã đổ xuống cho độc lập hôm nay, cần xây dựng Ô Tà Sóc thành “địa chỉ đỏ” gắn với du lịch (DL) tâm linh, tạo điều kiện cho người dân, du khách về nguồn, thúc đẩy vùng đất Lương Phi anh hùng phát triển.

Những trang sử oai hùng

An Giang, vùng Bảy Núi được xem là căn cứ vững chắc, cũng là chiến trường ác liệt nhất trong cuộc chiến bảo vệ vùng biên giới Tây Nam, tiếp nhận và che chở bộ đội chủ lực chi viện, tạo thế tiến công vững chắc cho cả vùng Tây Nam Bộ.

Trong giai đoạn khốc liệt 1962 - 1967, Tỉnh ủy An Giang đã chọn Ô Tà Sóc làm căn cứ kháng chiến, chỉ đạo chiến lược cho toàn tỉnh. Ô Tà Sóc nằm ở triền núi Dài (nay thuộc ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn), đặc thù có nhiều hang động (lò ảng) liên thông, bố trí lực lượng an toàn, dễ phòng thủ của lối đánh du kích.

Sang năm 1968, do điều kiện khó khăn, Tỉnh ủy chuyển căn cứ qua đồi Tức Dụp (núi Cô Tô, nay thuộc xã An Tức, huyện Tri Tôn), rồi đồng tràm Hà Tiên hoạt động. Tuy nhiên, phân ban Tỉnh ủy An Giang, sau đó là Tỉnh ủy Châu Hà rồi Long Châu Hà, các đơn vị tiền phương của tỉnh vẫn đóng căn cứ tại Ô Tà Sóc. Từ năm 1969, các đơn vị bộ đội chính quy về đóng quân ở núi Dài và Ô Tà Sóc, đặc biệt là Sư đoàn 1 của Bộ Tư lệnh Miền tăng viện cho Long Châu Hà, gắn với những chiến công oai hùng và nhiều hy sinh, gian khổ.

Ô Tà Sóc là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước

Do biết Ô Tà Sóc là căn cứ quan trọng, suốt từ năm 1962 đến 1975, chính quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng lớn, mở nhiều cuộc càn quét cấp sư đoàn, có sự hỗ trợ của pháo binh, xe tăng, máy bay... vào đây, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não cách mạng của tỉnh. Chúng sử dụng tất cả phương tiện, vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ, kể cả máy bay B52 để ném bom, bắn pháo liên tục vào căn cứ.

Cuộc chiến đấu để bảo vệ căn cứ, bảo vệ Tỉnh ủy giữa các lực lượng vũ trang địa phương và bộ đội chủ lực với các đạo quân hỗn hợp của Mỹ - ngụy diễn ra ở căn cứ Ô Tà Sóc và các điểm vệ tinh xung quanh núi Dài ngày càng ác liệt. Cho nên, có người còn gọi Ô Tà Sóc là “Ô Tàn Khốc”. Tuy nhiên, quân - dân An Giang vẫn chiến đấu kiên cường, bảo vệ vững chắc căn cứ, góp phần vào đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đầu tư xứng tầm

Mới đây, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh phối hợp Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn tổ chức hội thảo khoa học “Căn cứ Ô Tà Sóc của Tỉnh ủy An Giang trong kháng chiến chống Mỹ”. Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh. Các tác giả đều khẳng định vai trò và tầm quan trọng của căn cứ Ô Tà Sóc, đề xuất nhiều giải pháp tôn vinh, bảo tồn, phát huy xứng tầm giá trị của căn cứ này.

Là người trực tiếp phối hợp chiến đấu cùng Sư đoàn 1 tại Ô Tà Sóc, chứng kiến biết bao mất mát, hy sinh của đồng đội cho độc lập, tự do hôm nay, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Minh Đào đề xuất cần huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng căn cứ Ô Tà Sóc thành “Khu du lịch tâm linh Ô Tà Sóc”, gồm đền thờ liệt sĩ cùng các công trình phụ trợ tại chân đồi Ô Tà Sóc.

“Khu DL tạo điều kiện đón nhận đồng bào, đồng chí cả nước về đây viếng liệt sĩ, tìm hiểu lịch sử cách mạng. Sự trân trọng, tri ân, tưởng nhớ của thế hệ hôm nay là rất cần thiết trước anh linh của các anh hùng, liệt sĩ” - ông Nguyễn Minh Đào nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tri Tôn Phan Văn Sương cho rằng, Ô Tà Sóc là địa danh đã đi vào huyền thoại, trở thành trái tim, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm kiêu hãnh của quân - dân An Giang khi dương đầu với kẻ thù xâm lược hung bạo. Các địa danh như: Vồ Cờ, vồ Cỏ Xả, bụng Ông Địa, điện Trời Gầm... đã trở thành nơi thử thách ý chí và lòng yêu nước của các chiến sĩ cách mạng.

“Trong những chiến công đó, có sự cống hiến, hy sinh của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng, dân quân du kích và người dân địa phương, mà ở trong đất, trong hang đá Ô Tà Sóc hôm nay chắc hắn vẫn còn lưu giữ một phần xương máu của các anh” - ông Phan Văn Sương nhấn mạnh.

Tiếp nối chiến công hào hùng của các thế hệ đi trước, ngày nay, Ô Tà Sóc đang ngày một hồi sinh; xã Lương Phi anh hùng đã trở thành xã nông thôn mới, đời sống người dân ngày càng ấm no.

“Ô Tà Sóc đang là điểm đến hấp dẫn của du khách muốn tìm hiểu về lịch sử hào hùng và đam mê DL sinh thái. Với tầm nhìn và định hướng phát triển, Ô Tà Sóc sẽ trở thành một khu DL hấp dẫn, là sự kết hợp hài hòa, tổng thể giữa các di tích lịch sử cách mạng, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, những mô hình kinh tế sinh thái hiệu quả, hòa quyện với nét văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây” - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tri Tôn Phan Văn Sương khẳng định.

Cùng với xây dựng căn cứ Ô Tà Sóc thành "địa chỉ đỏ" kết hợp phát huy lợi thế DL sinh thái, DL tâm linh, huyện Tri Tôn đang dựng lại khu mộ và bia tưởng niệm nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Sy; xây dựng vùng đất anh hùng Lương Phi trở thành niềm tự hào cách mạng và phát triển tương xứng với những đóng góp cho độc lập hôm nay.

 

NGÔ CHUẨN