Phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long

16/09/2022 - 08:07

Sau 12 năm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long. Song việc mỗi năm chỉ đón vài trăm nghìn lượt khách tham quan vẫn là con số quá thấp đối với di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô. Do đó, thành phố còn nhiều việc phải làm nhằm gìn giữ, góp phần lan tỏa những giá trị quý báu của Hoàng thành Thăng Long để thật sự xứng tầm di sản thế giới.

Khôi phục Lễ dựng cây nêu tại Hoàng thành Thăng Long.

Cách đây tròn 20 năm, cả nước đã ngỡ ngàng khi hàng triệu hiện vật quý giá từ nhiều thế kỷ trước được phát lộ khi chuẩn bị xây dựng Nhà Quốc hội tại địa chỉ 18 phố Hoàng Diệu (quận Ba Đình). Đó chính là cơ sở để Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.

Tiếp tục nhận diện, phát huy giá trị

Năm 2022, cuộc khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long tiếp tục có những phát hiện mới. Giáo sư Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định: Mỗi lần công bố kết quả khảo cổ Hoàng thành Thăng Long là một lần có những bất ngờ thú vị, một lần giúp chúng ta hiểu thêm về quá khứ. Đợt khai quật này, các nhà khoa học chọn địa điểm là dãy nhà Cục Tác chiến (do người Pháp xây dựng chắn ngang trước nền điện Kính Thiên, sau này có thời gian được Bộ Quốc phòng sử dụng). Ở độ sâu từ 1m đến 1,2m, các nhà khoa học phát hiện một số mảng sân lát gạch mầu xám. Tại khu vực chính giữa có vệt đầm gạch ngói vỡ trải dài hướng bắc-nam, rộng khoảng 6,7m theo hướng từ cửa chính của Đoan Môn đi qua nhà Cục Tác chiến lên đến điện Kính Thiên.

Như vậy, những khám phá này trùng khớp với dự đoán của giới khoa học trước đó về không gian điện Kính Thiên thời Lê sơ, Lê Trung hưng. Đó là không gian trước nền điện Kính Thiên là sân Đại Triều (sân thiết triều, hay sân Đan Trì), còn vệt đầm gạch ngói vỡ ở chính giữa chính là trục Thần đạo (Ngự đạo), bắt đầu từ thềm điện Kính Thiên ra Đoan Môn. Đây là con đường để nhà vua xuất hành đi tế lễ tại Nam Giao, đàn Xã Tắc, tuần du hay xuất chinh vệ quốc...

Vào thời điểm Hoàng thành Thăng Long phát lộ năm 2002, hay khi được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới năm 2010, những công trình nổi trên mặt đất còn lại, hay những khám phá khảo cổ vẫn chỉ là những “mảnh vỡ” rời rạc về hệ thống cung điện, đền, đài thuở trước. Những công trình nổi còn lại rất ít, lại có niên đại muộn. Công trình quan trọng nhất là nơi thiết triều chỉ còn nền điện và bậc thềm với đôi rồng đá thời Lê sơ. Ngay cả vị trí những cung điện chính thời Lý, Trần là nơi thiết triều (điện Càn Nguyên, điện Thiên An) cũng chỉ là những phỏng đoán, chưa có cứ liệu vật chất chứng minh. Nhưng sau 20 năm, nhất là từ năm 2010 trở lại đây, những phát hiện khảo cổ đã làm sáng tỏ dần những bí ẩn từ quá khứ.

Phó Giáo sư Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Đến nay, tổng diện tích Hoàng thành Thăng Long được khai quật là khoảng 50.000m2. Các nhà khoa học đã phát hiện 79 dấu tích kiến trúc thời Lý gồm dấu tích nền móng cung điện, lầu gác, tường vây, đường đi; cùng với dấu tích kiến trúc, các di vật còn cho thấy Thăng Long thời kỳ này là trung tâm sản xuất, trung tâm nghệ thuật sầm uất nhất thời Lý, các hiện vật gốm đạt trình độ cao về kiểu dáng, cách sử dụng mầu men, cách thức trang trí, kỹ thuật nung.

Các nhà khoa học cũng tìm được 30 dấu tích thời Trần là kiến trúc, tường bao. Con số này thời Lê sơ là 15 dấu tích; thời Lê Trung hưng là 24 dấu tích kiến trúc… Những kết quả này đã giúp chúng ta hình dung rõ hơn về không gian Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ.

Phó Giáo sư Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam

Các nhà khoa học nhận định, qua các thời Lý, Trần rồi đến triều Lê sơ, Lê Trung hưng, không gian thiết triều về cơ bản không có nhiều thay đổi. Không gian ấy tương ứng với không gian từ nền điện Kính Thiên - nơi vua ngự, đến Đoan Môn hiện nay.

Một yếu tố quan trọng khác là qua các di vật khảo cổ, những đền đài, cung điện xưa dần được làm rõ hình hài, đặc biệt là cấu trúc, trang trí của bộ mái và hệ thống cấu kiện đỡ bộ mái ngói cung điện dưới đời Lê. Mái ngói cung điện thời Lê được dùng kiểu ngói ống, các hàng ngói dương được trang trí thành một con rồng dạng tượng tròn. Viên ngói đầu tiên ở diềm mái được trang trí bằng một đầu rồng, các viên ngói tiếp theo tạo thành thân rồng. Viên ngói cuối cùng ở áp mái chính là đuôi rồng. Bệ đỡ cho hệ mái ấy là cấu trúc đấu củng, có nhiều nét tương đồng với kiến trúc cung đình của các nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc chứ không phải cấu trúc kẻ chuyền, kẻ bẩy với đầu đao cong vút như kiến trúc đình làng mà ta thường thấy.

Song song với làm rõ những giá trị vật chất, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã từng bước phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể trong cung đình xưa như: Lễ Tiến xuân ngưu (dâng trâu mùa xuân), Lễ tiến lịch (dâng lịch cho vua), Lễ thướng tiêu (dựng cây nêu)... Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã biến Hoàng thành Thăng Long thành điểm du lịch, trung tâm giáo dục di sản và mới đây nhất là đưa vào khai thác tour du lịch đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long.

Bảo tồn, khai thác xứng tầm di sản thế giới

Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vẫn còn nhiều hạn chế. Diện tích 50.000m2 được khai quật còn quá nhỏ bé so với diện tích hàng chục héc-ta của toàn bộ không gian di sản. Những giá trị văn hóa phi vật thể được khôi phục cũng còn quá ít so với tổng thể các di sản cung đình nói chung. Việc phục dựng điện Kính Thiên - linh hồn của Hoàng thành Thăng Long - vẫn chỉ là ý tưởng. Trong khi đó, số lượng vài trăm nghìn khách du lịch mỗi năm (trước thời điểm dịch Covid-19) được cho là chưa tương xứng với một di sản có giá trị đặc biệt như Hoàng thành Thăng Long.

Đối với việc phục dựng điện Kính Thiên, mặc dù các nhà khoa học đã thống nhất được quan điểm về các loại ngói, trang trí cho hệ mái nhưng còn nhiều điểm chưa được làm rõ trong hệ thống bệ đỡ mái hay các trang trí khác. Hiện nay, tồn tại hai quan điểm về cấu trúc không gian điện Kính Thiên. Phó Giáo sư Tống Trung Tín cho rằng điện Kính Thiên gồm hai tòa nhà song song. Tiến sĩ Bùi Minh Trí (Viện Nghiên cứu Kinh thành) lại ủng hộ giả thuyết điện Kính Thiên là một tòa nhà duy nhất, cấu trúc mặt bằng hình chữ nhật.

Phục dựng điện Kính Thiên là mong mỏi của cả giới khoa học và nhân dân, do đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội đề xuất: “Để có cứ liệu phục dựng điện Kính Thiên cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên các lĩnh vực: Khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mỹ thuật... Cần đẩy mạnh công tác khảo cổ học để làm rõ không gian điện Kính Thiên, nhất là nền móng và phân gian của chính điện. Cần nghiên cứu về hình thức và thiết kế, chất liệu và vật liệu, cách sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật..."

Kết quả nghiên cứu sẽ cho phép dựng lên “chiều dài” nghệ thuật, lịch sử, xã hội và khoa học của Chính điện Kính Thiên. Nếu việc này được tiến hành liên tục trong 3-5 năm thì hy vọng trong vòng 10 năm tới chúng ta có thể phục dựng được điện Kính Thiên.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội

Văn hóa phi vật thể trong cung đình chính là nhân tố làm sống lại và giúp di sản “tỏa sáng”, nhất là thu hút khách du lịch. Văn hóa cung đình gồm các nghi lễ, lễ hội, trò chơi, trò diễn... Nghi lễ thường gắn với các lịch tiết trong năm như: Lễ Tiến xuân ngưu, Lễ tiến lịch, Tết Đoan ngọ... hay mang màu sắc tôn giáo như Lễ hội đèn Quảng Chiếu (có từ thời Lý và tồn tại đến thời Trần)... Chỉ riêng các trò chơi cung đình, theo Tiến sĩ Đỗ Ngọc Yến (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội), đã có nhiều nhóm trò chơi khác nhau. Liên quan nhóm bóng (cầu) có các trò: Đá bóng (thời xưa gọi là đá cầu), đánh bóng, tung cầu, vật cầu...; liên quan các con vật có đấu hổ và voi, chọi gà; chưa kể những trò độc đáo, có tính “kịch” như: Xuân đài, tàng câu...

Giáo sư Lê Hồng Lý cho biết: “Những nghiên cứu, thử nghiệm trong khôi phục di sản văn hóa phi vật thể tại Hoàng thành Thăng Long là đáng khích lệ, nhưng so với lịch sử 13 thế kỷ của Hoàng thành Thăng Long thì còn quá khiêm tốn. Do vậy, cần có nghiên cứu một cách hệ thống, bài bản về di sản văn hóa phi vật thể, gồm cả tư liệu lịch sử lẫn tư liệu dân gian, tư liệu của nước ngoài... Trên cơ sở đó tái hiện, phục dựng lại. Đối với những nghi lễ theo lịch tiết là những lễ, Tết thường niên, chúng ta có thể khai thác triệt để trong năm để tạo nên những sự kiện thu hút khách du lịch đến với Hoàng thành”.

Các nhà khoa học trao đổi về kết quả nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long.

Tại hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội”, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long thật sự xứng đáng với tầm vóc một Di sản văn hóa thế giới, một trong những di sản tiêu biểu nhất của Thủ đô.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, những ý kiến của các nhà khoa học là cơ sở để thành phố Hà Nội tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan để bảo tồn, khai thác tốt nhất giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long. Trong đó, thành phố sẽ chú trọng xây dựng phương án phục dựng, tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới, cũng như thực hiện nghiêm những cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với khuyến nghị của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS).

Theo GIANG NAM (Nhân Dân)