Phát huy giá trị di tích Óc Eo - Ba Thê trở thành trọng điểm du lịch

07/11/2018 - 06:46

 - Du lịch văn hóa là “sản phẩm” nổi bật trong mạch nguồn các hoạt động du lịch. Vì thế, di chỉ khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (Thoại Sơn) là một trong những nguồn tài nguyên đặc sắc để tỉnh khai thác và phát triển loại hình du lịch văn hóa. Khu di tích Óc Eo - Ba Thê có tiềm năng du lịch rất lớn, nổi bật với các di tích khảo cổ đặc sắc và những kiến trúc nghệ thuật độc đáo về nền văn hóa cổ.

An Giang có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Theo thống kê, đến năm 2014, An Giang có 77 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng. Trong đó nổi bật là 2 di tích quốc gia đặc biệt: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê.

Du khách nếu muốn tìm hiểu, khám phá về nền văn hóa cổ phát triển từ đầu Công nguyên đến thế kỷ VII thì Khu di tích Óc Eo - Ba Thê là điểm đến thú vị không thể bỏ qua.

Hiện, khu di tích này nằm trên địa bàn thị trấn Óc Eo, với tổng diện tích quy hoạch và bảo tồn khoảng 433,1ha, gồm: di tích Óc Eo nằm trên cánh đồng Óc Eo, tiếp giáp phía đông, đông nam núi Ba Thê và di tích Ba Thê nằm trên sườn - chân núi phía bắc, phía đông nam núi Ba Thê. Việc trở thành di tích quốc gia đặc biệt là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của các di sản trong sự phát triển du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng các đại biểu tham quan Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng các đại biểu tham quan Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo

Trong xu thế phát triển chung của đất nước, tỉnh ngày càng chú trọng phát triển du lịch và xem đây là ngành kinh tế “mũi nhọn” để phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động du lịch đang hướng tới khai thác hiệu quả du lịch văn hóa, truyền thống, trong đó có văn hóa Óc Eo.

Thực tế cho thấy, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê là nơi tập trung số lượng lớn di vật nhiều loại hình như: vật dụng sinh hoạt trong di chỉ cư trú, vật dâng cúng quý giá trong các đền tháp, vật tùy táng linh thiêng trong những ngôi mộ...

Những di tích này cung cấp dữ liệu về một thời kỳ lịch sử mà tài liệu chữ viết còn nhiều hạn chế. Đây là bằng chứng cho thấy lớp cư dân đầu tiên đã cải tạo đồng bằng, sinh sống và phát triển trong một giai đoạn dài.

Nằm cách trung tâm TP. Long Xuyên khoảng 38km, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê có thể kết nối với các điểm du lịch khác của tỉnh tạo thành mạch dẫn trong tuyến du lịch: Óc Eo - Long Xuyên - Châu Đốc - Tịnh Biên - Tri Tôn - Óc Eo.

Đến với Óc Eo, du khách không chỉ được hòa mình vào cảnh sông nước hữu tình, núi non hùng vĩ, mà còn được tìm hiểu những di chỉ của nền văn hóa Óc Eo. Nổi bật là Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo (thị trấn Óc Eo) với khoảng 200 hiện vật tiêu biểu, đặc trưng nhất của văn hóa Óc Eo.

Các hiện vật đa dạng về chất liệu như: đồ đá, đồ gốm, thủy tinh, vàng, chì... và phong phú về loại hình như: bình, lọ, mảnh ngói, mảnh phù điêu... Đó là những vật dụng dùng trong sinh hoạt, sản xuất hàng ngày hay trong những nghi lễ tôn giáo, thờ cúng. Không ít những hiện vật do người dân hiến tặng. Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động nhân dân hiến tặng hiện vật để trưng bày, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo đã tiếp nhận 8.036 hiện vật và 3 bao mảnh gốm.

Hiện vật bằng gốm của nền văn hóa Óc Eo

Đã đến Óc Eo thì không thể bỏ qua chùa Linh Sơn hay còn gọi là “Chùa Phật 4 tay” - một trong những ngôi chùa cổ nhất của huyện Thoại Sơn.

Trong chùa đang lưu giữ 2 loại hiện vật khá độc đáo của nền văn hóa Óc Eo là tượng thần Vishnu (còn gọi là tượng Phật 4 tay, cao khoảng 3,3m) và 2 bia đá có khắc minh văn Sanskrit cổ.

Ngày 6-12-1988, hai hiện vật này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật, ngôi chùa được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia, nằm trong quần thể Di tích Văn hóa quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê.

Với không gia tĩnh lặng nằm trong vùng đất thanh bình, mang chút huyền bí của núi non, chùa Linh Sơn đang và sẽ trở thành điểm đến ấn tượng khi phát triển du lịch văn hóa trong tương lai.

Hiện vật bằng gốm của nền văn hóa Óc Eo

Hiện vật bằng gốm của nền văn hóa Óc Eo

Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu từng nhận định, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê với những thế mạnh đặc trưng và tiềm năng hiện có sẽ là điểm đến có sức hút đặc biệt với ngành du lịch.

Với thế mạnh hiện có là hệ thống hạ tầng giao thông thuận tiện, cảnh quan huyền bí, hùng vĩ, điều cần thiết để khơi dậy sức mạnh “tiềm ẩn”của Khu di tích Óc Eo - Ba Thê chính là tạo ra chuỗi kết nối du lịch bền vững, có chiến lược mời gọi đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản.

PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích