Phát huy “lá chắn xanh”

20/06/2023 - 04:04

 - Gần 350.000 thanh niên (từ 16 - 30 tuổi chiếm 18,2% dân số của tỉnh; từ 16 - 35 tuổi chiếm 26,5%); 55.263 đoàn viên và 2.710 cán bộ Đoàn… là nguồn nhân lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh từ thực hiện nhiệm vụ chính trị đến tham gia phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên vi phạm pháp luật, bị lôi kéo, dụ dỗ phạm tội, tham gia và tệ nạn xã hội (TNXH). Theo Tỉnh đoàn An Giang, từ tình hình thực tế trên, đơn vị chủ động phối hợp các ngành liên quan (nhất là công an, quân sự) tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tích cực phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở địa phương. Tính đến nay, các cấp bộ Đoàn từ tỉnh đến cơ sở phối hợp thực hiện hiệu quả hàng trăm mô hình, câu lạc bộ (CLB), đội nhóm, như: CLB “Tuổi 17”, “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm và TNXH”, “Nói không với ma túy”, “Sống khỏe”, “Tuổi trẻ với pháp luật”; đội, nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng; Đội thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin; Đội thanh niên tình nguyện giữ gìn trật tự và an toàn giao thông... 

Điển hình như CLB “Ứng cứu bạn đường TP. Châu Đốc”, gồm 22 thành viên là ĐVTN địa bàn. Sức trẻ được phát huy tối đa vào những công việc không cố định giờ giấc. Hễ có người cần trợ giúp, các bạn sẽ xuất hiện để sửa xe, vá xe, thay vỏ bánh xe, đổ xăng, chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế...

Từ năm 2021 đến nay, CLB sửa chữa hơn 1.300 chiếc, vá 683 chiếc xe máy, đổ 266 lít xăng miễn phí, vận chuyển 118 lượt người bị tai nạn giao thông.

Tại TP. Long Xuyên, mô hình Đội Thanh niên xung kích tự quản về ANTT phường Đông Xuyên hoạt động rất hiệu quả, tích cực hỗ trợ lực lượng chức năng đảm bảo ANTT. Bí thư Phường đoàn Đông Xuyên Phan Hoàng Phúc chia sẻ: “ĐVTN nhiệt tình tham gia đội, đêm nào cũng phối hợp Công an phường đi tuần tra, kiểm soát, có mặt hỗ trợ trong lúc lực lượng chức năng triệt xóa băng nhóm tội phạm, trộm cắp, buôn bán ma túy…

Cũng nhờ tham gia hoạt động, ĐVTN ngày càng nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm, góp sức vào thành tích chung của địa phương. Không thù lao, chỉ được phần ăn ban đêm, thi thoảng có nhà hảo tâm gửi tặng tiền xăng xe… nhưng các bạn vẫn bám trụ thực hiện mô hình. Năm 2022, đội được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Đoàn viên, thanh niên tham gia tuyên truyền pháp luật tại đơn vị, địa phương

Mô hình “Mỗi đoàn xã, phường, thị trấn xây dựng ít nhất 1 mô hình, giải pháp tư vấn giúp đỡ, hỗ trợ thanh, thiếu niên yếu thế; giúp đỡ, giáo dục, cảm hóa ít nhất 1 thanh niên chậm tiến được công nhận tiến bộ” tiếp tục được triển khai. Đoàn thanh niên cấp huyện chủ động phối hợp ngành công an rà soát, nắm đối tượng để có biện pháp giáo dục, cảm hóa, động viên thanh, thiếu niên chậm tiến trở thành công dân tốt.

Đến nay, 156 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều xây dựng, duy trì mô hình, giải pháp tư vấn giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên yếu thế; giáo dục, cảm hóa thanh niên chậm tiến. Hàng năm, trên 100 thanh niên chậm tiến, mắc TNXH, vi phạm pháp luật… được công nhận tiến bộ từ hoạt động của mô hình.

Tại khu dân cư, các cơ sở Đoàn phối hợp lực lượng vũ trang và ngành liên quan triển khai mới, duy trì mô hình “Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc TNXH”, giúp ĐVTN tiếp cận chủ trương, chính sách pháp luật nhanh nhất, hạn chế việc thanh, thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật. Đến nay, 100% huyện, thị, thành Đoàn triển khai 28 mô hình, tham gia vận động người dân thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn An Giang Đỗ Minh Sang cho biết: “Các mô hình mang lại hiệu quả, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của ĐVTN và người dân. Qua đó, góp phần lan tỏa các hoạt động phong trào của Đoàn trong bảo vệ an ninh Tổ quốc, định hướng tuyên truyền nhận thức, hành vi của mọi người, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Tuy nhiên, số lượng mô hình hoạt động hiệu quả, thiết thực còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, chưa thu hút đông đảo ĐVTN tự giác tham gia”.

Kinh nghiệm cho thấy, để vận động ĐVTN tham gia phong trào, trước hết cần sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội.

Đặc biệt, củng cố mô hình đang có, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, hoạt động hiệu quả, song song với thay đổi mô hình kém hiệu quả, không còn phù hợp; cổ vũ, biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực này.

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trọng trách nặng nề, nhưng cũng rất vinh quang, đang đặt lên vai thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước. Nếu được đặt đúng chỗ, phát huy đúng lực, ĐVTN sẽ trở thành “lá chắn xanh” ở địa phương, đơn vị.

AN KHANG