Phát huy lợi thế so sánh trong nông nghiệp

28/05/2019 - 07:45

 - Phát huy lợi thế so sánh trong nông nghiệp để sản phẩm có tính cạnh tranh cao, nông sản có thị trường tiêu thụ tốt, từ đó đời sống nông dân ngày càng được nâng lên, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Nâng cao tính cạnh tranh

Nhìn lại quá trình xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong hơn 20 năm qua, có thể khẳng định, nếu địa phương nào “tận dụng” được lợi thế so sánh của mình để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại, sản phẩm đó sẽ có thị trường tốt hơn, khách hàng nhiều hơn, được nhiều người biết đến và sớm nổi tiếng. Ở nước ta, nếu Tây Nguyên có hồ tiêu, cà phê; Đông Nam Bộ có cao su thì ở ĐBSCL có cá tra, lúa chất lượng cao cùng nhiều sản phẩm khác như: xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, cam xoàn, mít và các mặt hàng rau quả.

Các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng nông dân vui mừng trước sự kiện trái xoài cát Hòa Lộc xuất sang thị trường Hoa Kỳ

Trên cùng 1ha mặt nước, các quốc gia khác như: Hoa Kỳ (cá nheo), Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc, Thái Lan nuôi cá tra, sản lượng chỉ dừng lại ở mức 300 tấn cá/vụ, còn ở ĐBSCL, sản lượng đạt 700-800 tấn/vụ, chính điều này đã hạ thấp giá thành sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Chứng minh cho điều này, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới cho biết, cuộc chiến Catfish bắt đầu từ năm 2001 bằng việc Hoa Kỳ thông qua đạo luật giới hạn việc sử dụng tên Catfish. Tên này chỉ dành cho cá da trơn thuộc họ Ictaluridae đang nuôi ở Hoa Kỳ. Bước kế tiếp các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ vận động hành lang để Chính phủ nước này tái thỏa thuận lại Hiệp ước song phương được ký giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2001, sau đó là quá trình điều tra, áp thuế chống bán phá giá. Đến nay, đã có 14 lần xem xét hành chính đối với sản phẩm cá tra. Tất cả những bước đi đó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sản phẩm cá tra của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, bởi giá thành 1kg cá tra sản xuất ở Việt Nam có mức rất thấp. Đây là dẫn chứng cụ thể của việc phát huy lợi thế so sánh của sản phẩm, quốc gia trong cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Tiêu thụ tốt hơn

Ông Doãn Tới khẳng định, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, lợi thế so sánh đóng vai trò hết sức quan trọng đối với mỗi sản phẩm của nông dân; có tận dụng được lợi thế so sánh sẽ hạ thấp giá thành sản phẩm và sản xuất với số lượng nhiều, chất lượng sản phẩm được nâng lên, giá bán rất cạnh tranh. Đây là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại cho một sản phẩm trong bối cảnh sản phẩm nông nghiệp của nước ta phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại ở một quốc gia khác. Nhờ phát huy lợi thế so sánh, 20 năm xuất khẩu cá tra ra thế giới, đến nay, mỗi năm ĐBSCL nuôi đến 1,4 triệu tấn cá tra xuất khẩu, giá trị kim ngạch mang về cho quốc gia mỗi năm 2,2 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 500.000 lao động tại các địa phương. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) và Châu Á là 4 thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam.

Việt Nam- quốc gia có lợi thế trong sản xuất và chế biến cá tra

Phát huy lợi thế so sánh, sản phẩm sẽ mang tính cạnh tranh cao, thị trường tiêu thụ dễ dàng. Đồng thuận quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi (xã Lê Trì, Tri Tôn) Bùi Văn Quý cho biết, xoài cát Hòa Lộc của HTX xuất sang thị trường Hoa Kỳ, mở ra triển vọng rất lớn cho đầu ra của sản phẩm xoài trên địa bàn tỉnh. Bởi hiện nay, toàn tỉnh trồng đến 10.000ha xoài, trong đó có xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài tượng xanh, xoài 3 màu, xoài keo cùng nhiều loại khác. Nếu không có thị trường tiêu thụ, mặt hàng này sẽ rơi vào khủng hoảng thừa, bởi thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết. “1kg xoài cát Hòa Lộc giá thành của nông dân trong HTX làm ra khoảng 15.000 đồng, trong khi giá bán cho Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu để xuất vào thị trường Hoa Kỳ và những thị trường khác lên đến 49.000 đồng/kg, lợi nhuận rất tốt. Vùng đất Bảy Núi rất phù hợp với cây xoài. Trong khi xoài ở các quốc gia như: Peru, Ecuador, Brasil, Guatemala giá thành sản xuất rất cao. Đây là một lợi thế để chúng ta đưa xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu vào thị trường Hoa Kỳ ” - ông Quý khẳng định.

“Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục vận động nông dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng để có giá thành sản phẩm tốt hơn, chất lượng nâng lên, sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Muốn vậy, nông dân phải tiếp tục đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình HTX kiểu mới để thực hiện mô hình “mua chung, bán chung”, mô hình “Cánh đồng lớn” để sản phẩm tiêu thụ được dễ dàng…” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm kêu gọi.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN