Phát huy thế mạnh môn bóng chuyền

06/10/2022 - 07:09

 - Là môn thể thao tập thể, tạo sự gắn kết cộng đồng cao, phong trào tập luyện bóng chuyền trên địa bàn xã Phú Bình (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) ngày càng phát triển, thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện để tăng cường sức khỏe cũng như nâng cao đời sống tinh thần. Từ phong trào tập luyện bóng chuyền, đã tạo nguồn vận động viên (VĐV) tham dự các hội thi cấp huyện và cấp tỉnh.

Sân chơi cuối ngày

Đã thành thông lệ, cuối mỗi buổi chiều, bà con nhân dân trong xã lại tập trung ở các sân thể thao, đặc biệt là sân bóng chuyền để tham gia rèn luyện thể dục - thể thao. Tại sân bóng chuyền ấp Bình Phú 1, mỗi ngày có trên 20 người tham gia thi đấu giao lưu.

Tại đây, bầu không khí vào mỗi buổi chiều trở nên náo nhiệt, sôi động với những tiếng hò reo, vỗ tay sau những pha bóng đẹp, những cú đập “xé tan” các tay chắn, hay những tràng cười rộn rã đối với những pha bóng lỗi… của các VĐV không chuyên.

Anh Hồ Minh Quân, một trong những “cầu trái” có tiếng trong sân cho biết, anh chơi bóng chuyền gần 15 năm. “Môn thể thao này giúp tôi rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất, đồng thời giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi sau một ngày làm việc” - anh Quân nói.

Bóng chuyền đã trở thành “món ăn” tinh thần đối với người dân xã Phú Bình

Theo anh Quân, môn bóng chuyền được phát triển từ cách đây khoảng 20-30 năm. Tuy nhiên, thời điểm đó, chưa được đầu tư bài bản về sân thi đấu, bóng, lưới, đèn chiếu sáng… Ngày nay, cùng với sự phát triển của địa phương, môn bóng chuyền cũng ngày càng phát triển. Các sân bóng được đầu tư bài bản về chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân luyện tập, thi đấu. Cũng từ đây, bóng chuyền dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, đồng thời trở thành môn thể thao thế mạnh của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn xã Phú Bình có 4 sân thi đấu bóng chuyền (ở 4 ấp) và 1 câu lạc bộ bóng chuyền tại ấp Bình Phú 1. Anh Nguyễn Văn Bình (cán bộ văn hóa - thông tin xã Phú Bình) cho biết, nhằm tạo sân chơi bổ ích cho người dân, hàng năm, địa phương đã duy trì tổ chức giải thi đấu bóng chuyền nhân dịp lễ Đức Cố quản Trần Văn Thành. Giải thi đấu là dịp để các VĐV cọ xát, nâng cao trình độ, kỹ thuật trong thi đấu. Thông qua đó, tuyển chọn VĐV tiềm năng, những người có sức khỏe, kỹ thuật chơi bóng tốt để tham gia thi đấu các giải của huyện, tạo nguồn VĐV bóng chuyền của huyện.

Phát triển môn thể thao chủ lực

Nhiều năm trở lại đây, bóng chuyền xã Phú Bình đã trở thành môn thể thao thế mạnh và giành được thứ hạng cao tại các giải thi đấu thể thao của huyện Phú Tân. Nhiều VĐV có mặt trong đội bóng chuyền của huyện tham dự các hội thi do tỉnh tổ chức và đạt được những thứ hạng cao.

Anh Trần Duy Thông (nhân viên một doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng sữa, ngụ xã Phú Bình) cho biết, những lúc rảnh rỗi, anh đều tham gia bóng chuyền để rèn luyện sức khỏe cũng như để cọ xát, nâng cao trình độ.

Anh Thông cho biết, so với các địa phương khác trong huyện, bóng chuyền xã Bình Phú có trình độ nhỉnh hơn một chút nên thường đạt thành tích cao. Không chỉ phát triển trong cộng đồng, hiện nay, bóng chuyền còn phát triển mạnh trong học đường. Các trường đã đầu tư sân bãi tạo sân chơi cho cán bộ, giáo viên lẫn học sinh. Ngoài tập luyện trong nhà trường, các em còn đến tập luyện, giao lưu với nhau tại các sân trong xã.

Anh Thông cho biết, gia đình anh kinh doanh quán nước trong Trường THCS Phú Bình. Khi có thời gian rảnh rỗi, anh thường hướng dẫn các học sinh thêm về những kỹ năng, “bài” tấn công hay chiến thuật thi đấu. Qua đó, tạo điều kiện cho các em thi đấu tốt ở các giải do ngành giáo dục tổ chức, đồng thời góp phần phát triển VĐV kế thừa của xã.

“Mặc dù không qua trường lớp đào tạo bài bản, nhưng khi tham gia các giải lớn, mình được sự hướng dẫn từ những người có chuyên môn. Ngoài ra, với kinh nghiệm thi đấu nhiều năm, mình có thể hướng dẫn những điều cơ bản cho các em học sinh để có thể phát triển môn thể thao này” - anh Thông chia sẻ.

Môn bóng chuyền ngày càng được người dân trên địa bàn xã Phú Bình yêu thích tập luyện, thúc đẩy phong trào chơi thể thao trong nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Người dân mong muốn địa phương đầu tư xây dựng thêm sân thi đấu, bóng, lưới… để các VĐV có nơi để tập luyện trước mỗi giải thi đấu. Đồng thời là nơi để hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật để phát triển nguồn lực VĐV bóng chuyền của địa phương.

ĐỨC TOÀN