Thành tựu về xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh An Giang thời gian qua
Theo báo cáo của Tỉnh ủy An Giang, toàn tỉnh có 27.928 người có trình độ cao đẳng trở lên (25.163 người có trình độ đại học và sau đại học). Trong đó có 2.682 cán bộ khoa học- kỹ thuật có trình độ sau đại học, cán bộ lãnh đạo Đảng, đoàn thể có 558 người từ phó trưởng phòng cấp huyện trở lên; cán bộ lãnh đạo chính quyền có 182 người từ phó trưởng phòng cấp huyện trở lên, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có 2.018 người.
Sau hơn 15 năm (2008-2023), kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức của tỉnh tham gia thực hiện 730 chương trình, dự án, đề tài khoa học, công nghệ (366 chương trình, dự án, đề tài cấp tỉnh và 364 đề tài cấp cơ sở), góp phần tăng cường hàm lượng khoa học, công nghệ đối với các sản phẩm chủ lực, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hoá của tỉnh.
Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cũng góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử, xây dựng và định hướng phát triển đời sống tinh thần của Nhân dân. Đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 118 tiến sĩ và chuyên khoa II, 1.020 thạc sĩ và chuyên khoa I.
Đặc biệt, lực lượng trí thức đang công tác tại xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh tăng về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2008, số cán bộ có trình độ đại học chiếm 60,84%, thì đến năm 2023 tăng hơn 87,12% và trình độ lý luận chính trị có 319 cử nhân, cao cấp và 526 trung cấp.
Vai trò cơ bản của đội ngũ trí thức tỉnh An Giang hiện nay
Một là, trí thức góp phần tạo lập cơ sở khoa học cho xây dựng, hoàn thiện đường lối, đề xuất phương thức hiệu quả để thực hiện tốt đường lối phát triển đất nước. Bằng các nghiên cứu của mình, đội ngũ trí thức có thể xác định, đề xuất phương thức phát triển từ chính những tri thức nhân loại được tích hợp, truyền nối lại. Đồng thời, với hoạt động nghiên cứu tổng kết chỉ ra cơ sở thức tiễn, những ưu thế, lợi thế tỉnh hiện có hoặc sẽ hình thành trong tương lai trên cơ sở của sự phát triển khoa học công nghệ và tận dụng cơ hội, nguồn lực bên ngoài.
Hai là, trí thức là bộ phận nòng cốt trong nguồn nhân lực chất lượng cao, có vai trò quan trọng trong sáng tạo công nghệ và ứng dụng công nghệ trong quá trình phát triển của tỉnh. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và phát triển nền kinh tế số, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng then chốt cho mọi sự phát triển, quyết định tốc độ phát triển, định hướng phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) của tỉnh. Đội ngũ trí thức chính là lực lượng sản xuất trực tiếp trên các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, triển khai công nghệ tiên tiến, các dịch vụ khoa học, công nghệ khác. Đồng thời, qua nghiên cứu, lao động sáng tạo họ đã tìm tòi, phát minh ra nhiều công trình khoa học góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của Nhân dân và phúc lợi cho xã hội.
Ba là, trí thức đi liền với hoạt động nghiên cứu sáng tạo của mình, là hoạt động truyền thụ tri thức, đào tạo đội ngũ trí thức mới cho xã hội. Trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo, truyền bá tri thức. Chính họ thông qua các hoạt động nghiên cứu làm giàu thêm tri thức nhân loại và cũng chính với năng lực và vốn tri thức của mình, mà đội ngũ trí thức gánh vác vai trò, trách nhiệm trong truyền thụ tri thức cho xã hội và đào tạo đội ngũ trí thức mới. Việc truyền thụ kiến thức trước hết thông qua công bố các công trình, kết quả nghiên cứu về các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình phát triển của tỉnh.
Bốn là, đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng đối với tỉnh và chính họ là kho lưu giữ và tiếp nối, phát triển tri thức. Thực tiễn phát triển của tỉnh đều cho thấy vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức, là nhân tố góp phần quyết định sự phát triển của Tỉnh. Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức, đội ngũ trí thức là hạt nhân của đổi mới sáng tạo, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo động lực quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững. Bằng lao động của mình, đội ngũ trí thức là lực lượng xã hội có khả năng thực hiện tốt và nhanh nhất trong tiếp nhận những giá trị khoa học, công nghệ và văn hóa tích cực, tiến bộ, phù hợp với truyền thống của tỉnh và dân tộc.
Năm là, đội ngũ trí thức có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những nước đi sau trong tiếp thu, vận dụng thành tựu khoa học công nghệ thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và theo kịp các quốc gia tiên tiến. Kinh nghiệm của các nước tiến tiến trên thế giới cho thấy sự phát triển “thần kỳ” có được là nhờ phát triển nguồn lao động chất lượng cao, mà nòng cốt là “đội ngũ trí thức tinh hoa”. Đội ngũ trí thức này là lực lượng cơ bản tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ thế giới, chủ động tiếp cận, tiếp nhận và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Thực tế cho thấy, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đang tạo cơ hội để Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng bắt nhịp với trình độ phát triển khoa học và công nghệ thế giới.
Quang cảnh Hội thảo “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được tổ chức ngày 18/10/2023
Các yếu tố ảnh hưởng đến phát huy tiềm năng, vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh An Giang
Thứ nhất, môi trường làm việc, cống hiến của đội ngũ trí thức. Môi trường và điều kiện thuận lợi sẽ là “bệ đỡ, chất xúc” tác cho đội ngũ trí thức phát huy cao nhất năng lực sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của mình. Để tạo ra môi trường cống hiến, hợp tác làm việc, ngoài các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, thì việc xây dựng, hình thành các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm quy tụ đội ngũ trí thức dưới dạng các hội, hội liên hiệp ở các cấp trong tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ hai, tác động của cơ chế kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, giá trị của sức lao động được thị trường đánh giá, chấp nhận trên cơ sở hao phí sức lao động trong quá trình sản xuất. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy người lao động nói chung, người trí thức nói riêng. Lao động sáng tạo của trí thức là lao động phức tạp, bằng lao động của mình, đội ngũ trí thức sáng tạo ra các sản phẩm có giá trị cao cho xã hội, được xã hội thừa nhận đóng góp vào sự phát triển và nhận được quyền lợi xứng đáng.
Thứ ba, hệ thống thể chế, chính sách, quy định đãi ngộ, đánh giá và tôn vinh đội ngũ trí thức. Hệ thống thể chế, chính sách, quy định đãi ngộ, đánh giá và tôn vinh đối với đội ngũ trí thức là một trong những yếu tố quan trọng có tác động lớn đến phát huy vai trò đội ngũ trí thức. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, khi thu nhập chính đáng của đội ngũ trí thức được bảo đảm “đủ sống” sẽ là điều kiện cho trí thức toàn tâm cống hiến, mà còn là “cơ sở bảo đảm chuẩn mực liêm khiết trong hoạt động khoa học”. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế, chính sách đào tạo, tuyển dụng, bố trí, sử dụng và “trả công có tính đặc thù áp dụng riêng cho đội ngũ trí thức”, thiếu chính sách và cơ chế để trí thức chuyên tâm cống hiến, phát triển và được xã hội tôn vinh bằng chính kết quả hoạt động chuyên môn của mình. Do vậy, cần nghiên cứu xây dựng hệ thống chính sách, quy định đánh giá, đãi ngộ phù hợp và cần có những “ưu đãi đặc thù đối với đội ngũ trí thức trong thời gian tới”.
Thứ tư, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, ngoài các cơ chế chính sách, Nhà nước cần huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, nên tập trung theo các hướng: (1) Đầu tư cho phát triển nhân lực để sẵn sàng có lao động tay nghề cao cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; (2) Triển khai một số cơ chế, chính sách “mở linh hoạt hơn để tạo sự khác biệt, linh hoạt, hấp dẫn”, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; (3) Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc thù đối với một số dự án “chủ lực”, đặc biệt ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; (4) Tăng cường các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và các biện pháp bảo hộ trí tuệ và các hoạt động sở hữu trí tuệ.
Thứ năm, trình độ, ý thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của đội ngũ trí thức. Trình độ của đội ngũ trí thức là điều kiện đầu tiên, điều kiện cần có để sử dụng và phát huy sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức. Trình độ không hẳn “thể hiện ở bằng cấp”, mà “thể hiện ở năng lực giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra”. Do vậy, muốn phát huy tốt vai trò đội ngũ trí thức cần có chính sách quan tâm đến đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức có “năng lực, trình độ thật sự”. Bên cạnh đó, “trình độ mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để trở thành trí thức” vì người có trình độ cao chỉ có thể trở thành trí thức khi đem tri thức của mình áp dụng vào lao động, sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm cụ thể để phục vụ cho xã hội.
Sau khi phân tích thành tựu, vai trò, yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của đội ngũ trí thức trong thời gian qua. Để phát huy tiềm năng, vai trò, ý thức, trách nhiệm chính trị của đội ngũ trí thức của tỉnh trong hiện tại và những năm tiếp theo, thiết nghĩ cần thực hiện “đồng bộ, toàn diện, quyết liệt” các giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức. Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện đồng bộ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức. Trong đó, cần quán triệt quan điểm: “Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển” và “Phát triển nguồn nhân lực là phát huy nhân tố con người” và xem công tác trí thức là nhiệm vụ đặc biệt, trọng tâm, thường xuyên trong suốt quá trình phát triển của đơn vị, địa phương.
Hai là, tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 27 -NQ/TW. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW cần được tăng cường, cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên về vai trò, trách nhiệm, vị trí quan trọng của trí thức trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Từ đó, coi trọng vị trí, vai trò, trách nhiệm của các hội, liên hiệp hội của trí thức, đặc biệt là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức và các hội của trí thức trong tỉnh hoạt động và phát triển.
Ba là, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ trí thức. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ “hiền tài” cho phát triển KT-XH của Tỉnh. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình của Chính phủ về Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nên thực hiện thí điểm “tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng, địa phương trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh trong thời gian tới” theo hướng bảo đảm thực chất, công khai, công bằng và minh bạch.
Bốn là, đổi mới công tác đánh giá, xét duyệt chức danh khoa học và danh hiệu tôn vinh trí thức. Tôn trọng và phát huy tính tự chủ, nâng cao hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của đội ngũ trí thức; gắn đào tạo đại học và sau đại học với nghiên cứu phục vụ các ngành kinh tế có tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh. Trọng dụng “trí thức có phẩm chất, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý tốt”, trên cơ sở đánh giá, tỉnh cần có những chính sách và chế độ đãi ngộ, khen thưởng, tôn vinh phù hợp để tạo động lực cho sức sáng tạo và cống hiến của đội ngũ trí thức tỉnh nhà.
Năm là, phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và trách nhiệm của đội ngũ trí thức. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách bảo đảm trọng dụng, phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tích cực đóng góp, đưa ra những ý tưởng, đề xuất về cơ chế, chính sách, nguồn lực góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Chương trình phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Sáu là, ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu sáng tạo của đội ngũ trí thức. UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành có liên quan cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ trí thức của tỉnh theo chủ trương của cấp thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành; rà soát, hoàn thiện, các chính sách để tăng cường huy động và đa dạng hóa các nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ phù hợp với sự phát triển KT-XH và thực tiễn của tỉnh.
Bảy là, kiện toàn tổ chức, phương thức hoạt động các hội, liên hiệp hội của đội ngũ trí thức. Thường xuyên kiện toàn, tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội, liên hiệp hội của đội ngũ trí thức của tỉnh theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển KT-XH của tỉnh trong tình hình mới. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cần phối hợp Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang và Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh An Giang để tăng cường, định hướng sinh hoạt chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm chính trị của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của tỉnh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức của các hội, liên hiệp hội của đội ngũ trí thức của Tỉnh.
Tám là, phát huy tiềm năng, vai trò và đóng góp của đội ngũ trí thức để phát triển tỉnh và đất nước. Phát huy vai trò, đóng góp của đội ngũ trí thức trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Kiện toàn, tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang và các tổ chức thành viên trong toàn hệ thống của các liên hiệp hội này theo hướng “tinh, gọn, mạnh” để đủ năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Tỉnh và đất nước trong tình hình mới.
Chín là, triển khai các chương trình cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả đóng góp của đội ngũ trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài. UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, tham mưu xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách “thu hút, trọng dụng nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài” và đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức trên địa bàn tỉnh; cần xây dựng đề án thu hút và phát huy có hiệu quả trí thức, nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài để tham gia xây dựng và phát triển tỉnh và quốc gia trong giai đoạn mới.
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ của Đại hội Đảng bộ các cấp, muốn phát huy tiềm năng, vai trò, trách nhiệm chính trị của đội ngũ trí thức của Tỉnh thành công trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo thì chúng ta phải nhận diện cho được vai trò, yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của đội ngũ trí thức và cần thực hiện “đồng bộ, toàn diện, quyết liệt” các giải pháp nêu trên, nhưng cần “làm ngay, từng bước, chắc chắn” để “trí thức luôn là vốn liếng quý báu của dân tộc và hiền tài luôn là nguyên khí của quốc gia”, nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức của tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm, quyết tâm chính trị để đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương An Giang giàu đẹp và góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa trong tình hình mới.
Tiến sĩ Đào Thanh Hoàng
Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang