Phát triển bóng đá trong đồng bào Khmer

17/11/2022 - 06:05

 - Bên cạnh sân chơi thể thao truyền thống, thanh niên Khmer cũng tiếp cận những môn thể thao hiện đại, trong đó có bóng đá. Do đó, ngành thể thao các địa phương đã nỗ lực tạo điều kiện để xây dựng lực lượng và phát triển phong trào bóng đá trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer.

Đội bóng Khmer tỉnh An Giang đoạt hạng nhì môn bóng đá tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ năm 2022 tại tỉnh Sóc Trăng

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) Thái Quốc Bình cho biết: “Là huyện miền núi có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hoạt động thể dục - thể thao phục vụ bà con. Trong đó, bộ môn bóng đá được đông đảo thanh niên Khmer yêu thích, nên Trung tâm VH, TT&DL huyện quan tâm, phát triển phong trào thông qua các sân chơi cấp huyện và cơ sở. Từ đó, nguồn lực cầu thủ bóng đá trong đồng bào DTTS Khmer ở Tri Tôn luôn dồi dào, có thể cung cấp cho tỉnh tham gia những sự kiện thể thao cấp khu vực ĐBSCL”.

Cũng theo ông Thái Quốc Bình, đoàn thể thao An Giang tham dự Ngày hội VH, TT&DL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII/2022 tại tỉnh Sóc Trăng có sự góp mặt của các cầu thủ bóng đá xuất thân từ huyện Tri Tôn. Với vai trò là huấn luyện viên đội bóng, ông Thái Quốc Bình đã cùng với tập thể các cầu thủ Khmer của tỉnh lần lượt vượt qua các đối thủ để tiến vào trận chung kết. Dù nỗ lực hết mình, các cầu thủ của An Giang vẫn không thể vượt qua đối thủ Kiên Giang nên đành kết thúc giải đấu ở vị trí hạng nhì.

“Thực tế, thành tích hạng nhì môn bóng đá ở sân chơi dành cho cộng đồng DTTS Khmer khu vực Nam Bộ đã vượt mục tiêu đề ra. Bởi lẽ, ở những lần tham dự trước, đội bóng Khmer của tỉnh An Giang hiếm khi vượt qua vòng bảng. Năm nay, dù chỉ tập dợt với nhau hơn 10 ngày và có 3 trận giao hữu, chúng tôi vẫn đạt được thành tích đáng khích lệ. Đây là cơ sở để phong trào thể thao Tri Tôn tiếp tục đầu tư, xây dựng lực lượng cầu thủ phong trào trong cộng đồng Khmer địa phương những năm tới” - ông Bình phân tích.

Lý giải cho thành tích đáng khích lệ, ông Thái Quốc Bình khẳng định, đó là sự nỗ lực của tập thể ban huấn luyện và các cầu thủ. Với số lượng 8/11 thành viên đội bóng xuất thân tại huyện Tri Tôn, các cầu thủ đã có thời gian chơi bóng cùng nhau khá lâu tại địa phương, nên rất ăn ý trong quá trình thi đấu. Bên cạnh, lứa cầu thủ Khmer của An Giang đều là học sinh, sinh viên còn khá trẻ. Các bạn sở hữu nền tảng thể lực tốt cùng tinh thần thi đấu đoàn kết, nhiệt huyết để thực hiện mục tiêu mang thành tích tốt nhất cho tỉnh nhà. Do đó, đội bóng đá Khmer tỉnh An Giang lần lượt vượt qua các đối thủ với chiến thắng thuyết phục. Ở trận chung kết, trước đội bóng đá Khmer tỉnh Kiên Giang đồng đều về lực lượng và “già rơ” trong thi đấu, các cầu thủ trẻ của An Giang chấp nhận vị trí á quân.

“Dù không đạt thành tích cao nhất, nhưng anh em vẫn phấn khởi và sẽ tiếp tục cố gắng ở những sân chơi sau này. Với những cầu thủ trẻ hiện có, chúng tôi sẽ xây dựng lực lượng nòng cốt, đại diện huyện Tri Tôn tham dự những giải bóng đá cấp tỉnh. Với Ngày hội VH, TT&DL đồng bào Khmer Nam Bộ, lực lượng này vẫn có thể thi đấu cho lần tổ chức tiếp theo. Do đó, Trung tâm VH, TT&DL huyện Tri Tôn sẽ quan tâm, tạo điều kiện để lực lượng này tiếp tục phát huy vai trò, nâng chất phong trào bóng đá trong đồng bào DTTS Khmer tại địa phương” - ông Thái Quốc Bình phân tích.

“Ở góc độ địa phương, chúng tôi sẽ đẩy mạnh vận động thanh niên Khmer tham gia tích cực vào phong trào bóng đá. Đồng thời, sẽ cố gắng tổ chức nhiều sân chơi bóng đá tại địa phương để tăng thêm sự yêu thích đối với môn “thể thao Vua”. Mong rằng, với nỗ lực của ngành thể thao, sự quan tâm của các địa phương, phong trào bóng đá trong cộng đồng DTTS Khmer tại huyện Tri Tôn và toàn tỉnh An Giang sẽ ngày càng khởi sắc” - ông Thái Quốc Bình kỳ vọng.

THANH TIẾN