Tiềm năng và bất cập
TP. Long Xuyên có vị trí chiến lược trong vùng ĐBSCL, là điểm giao thoa giữa khu vực năng động của vùng đô thị trung tâm và tứ giác Long Xuyên. Đặc biệt, địa phương có lợi thế kết nối thuận lợi với các vùng của quốc gia, quốc tế, nằm trên điểm giao của các tuyến giao thông trọng yếu của vùng ĐBSCL, gồm: Cao tốc Bắc Nam phía Tây - đường Hồ Chí Minh N2 đã thông tuyến qua cầu Vàm Cống; Quốc lộ 91 kết nối Campuchia; cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ đang được chuẩn bị đầu tư. Vị trí thuận lợi này cũng dễ dàng kết nối đường hàng không quốc gia, quốc tế; có đường thủy quốc tế sông Hậu. Hiện, dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên đang được đầu tư xây dựng, tạo động lực phát triển to lớn cho thành phố trong những năm tới.
Chương trình phát triển đô thị TP. Long Xuyên giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2035 có nội dung chính là đề xuất các nhóm giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đưa Long Xuyên trở thành đô thị loại I trước năm 2020. Kết quả, ngày 23/7/2020, địa phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Như vậy, bước tiếp theo cần phải làm là lập điều chỉnh chương trình phát triển đô thị giai đoạn mới, làm cơ sở xác định các khu vực phát triển đô thị, cụ thể hóa chỉ tiêu phát triển đô thị cần đạt được theo từng giai đoạn quy hoạch.
Một điều quan trọng khác, dù đã đạt đô thị loại I, nhưng nhiệm vụ của địa phương không dừng ở đó. Ngược lại, phải xác định bước đi cụ thể, rõ ràng, hướng đến hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I. Địa phương mới chỉ đạt 86,49/100 điểm theo thang điểm xét hạng phân loại đô thị. Còn 5 tiêu chuẩn chưa đạt, gồm: Tỷ lệ tăng dân số hàng năm (hiện trạng đạt 0,83%, trong khi yêu cầu đô thị loại I từ 1,6-2%); dân số toàn đô thị (hiện trạng đạt 293.300 người; trong khi yêu cầu từ 500.000 - 1 triệu người); diện tích sàn nhà ở bình quân (hiện trạng đạt 21,7m2 sàn/người, trong khi yêu cầu từ 26,5-29m2 sàn/người); đất xây dựng công trình công cộng cấp đơn vị ở (hiện trạng đạt 1,44m2/người, trong khi yêu cầu từ 1,5-2m2/người), mật độ đường giao thông (hiện trạng đạt 6,68km/km2, trong khi yêu cầu từ 10-13km/km2); đất cây xanh toàn đô thị (hiện trạng đạt 9,6m2/người, trong khi yêu cầu từ 10-15m2/người).
7 khu vực phát triển và 3 giai đoạn triển khai
Theo điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, TP. Long Xuyên được quy hoạch thành 7 khu vực phát triển. Đó là khu đô thị trung tâm lịch sử hiện hữu (phát triển mô hình đô thị nén một cách phù hợp bằng việc gia tăng mật độ dân cư song song với đảm bảo chất lượng môi trường sống; gìn giữ, phát huy và gia tăng không gian công cộng ven sông…); khu đô thị cải tạo và nâng cấp (phát triển đô thị tiếp tục từ trung tâm lịch sử dọc theo Quốc lộ 91 và sông Hậu lên phía Tây Bắc, xuống phía Đông Nam); khu đô thị mới phát triển y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học - kỹ thuật; khu đô thị công nghiệp - logistic xanh (nằm trên trục đường tránh Quốc lộ 91 và đường đi ra cảng Mỹ Thới).
Bên cạnh đó, xây dựng khu đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (phát triển theo mô hình đô thị đảo cặp các kênh rạch tại phường Bình Khánh, xã Mỹ Khánh; phát triển du lịch miệt vườn). Xã Mỹ Hòa Hưng đảm nhận vai trò khu đô thị du lịch sinh thái, dịch vụ, vui chơi giải trí và trải nghiệm nông nghiệp, hình thành khu vực phát triển đô thị về phía cù lao. Còn lại là khu nông nghiệp và dự trữ phát triển (phát triển khu trung tâm xã Mỹ Khánh và khu vực phía Tây đường tránh).
Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây, trong giai đoạn 1 (đến năm 2025), địa phương từng bước hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh; huy động nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng khung; phát triển mở rộng không gian đô thị sang khu vực phía Tây dựa trên lợi thế tuyến tránh Quốc lộ 91 đang được xây dựng. Nhiều đô thị mới được xây dựng, tại phường Bình Khánh, Mỹ Hòa, Mỹ Phước, Mỹ Quý, Mỹ Thới. Đồng thời, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Vàm Cống, cụm công nghiệp Bình Đức, khu du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng, thu hút gia tăng dân số cơ học, góp phần khắc phục tiêu chí dân số đô thị.
Giai đoạn 2 (từ năm 2026-2030), TP. Long Xuyên tiếp tục phát triển đô thị dựa trên lợi thế đã hình thành các trục quan trọng (tuyến tránh Quốc lộ 91, đường cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc); mở rộng chức năng đô thị về phía Tây tại phường Bình Đức, Mỹ Hòa, Mỹ Phước, Mỹ Quý, Mỹ Thới; hình thành cụm khoa học - công nghệ; nghiên cứu đầu tư cầu Tôn Đức Thắng để phát triển xã Mỹ Hòa Hưng. Giai đoạn 3 (đến năm 2035), nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tập trung phát triển quỹ đất dự trữ phát triển tại Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh; chuẩn bị thủ tục đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai ngoài của thành phố nối qua thị trấn An Châu đến xã Bình Hòa (huyện Châu Thành), dự án cầu An Hòa nối từ xã Mỹ Hòa Hưng sang huyện Chợ Mới.
Để làm được khối lượng lớn công việc này, địa phương huy động nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng xã hội. Từ đó, kỳ vọng nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững, tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Dự kiến, tổng mức đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung, công trình đầu mối ưu tiên đầu tư đô thị theo các giai đoạn phát triển đến năm 2035 gần 250.000 tỷ đồng. Trong đó, 93% nguồn vốn từ kêu gọi đầu tư, huy động sức dân. |
GIA KHÁNH