Phát triển đô thị Long Xuyên bắt đầu từ quy hoạch

27/04/2023 - 05:43

 - Theo Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 68/QĐ-TTg, ngày 15/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ), TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) là trung tâm tăng trưởng kinh tế, trung tâm thương mại dịch vụ của vùng giữa đồng bằng phía Nam sông Hậu; là trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ, trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh An Giang và vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

TP. Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh. Đô thị loại I này có vai trò quan trọng trong vùng ĐBSCL và cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 88%. Thời gian qua, thành phố đã có bước phát triển vững chắc về mọi mặt: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư, xây dựng đồng bộ, giúp bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Ngoài ra, địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (xã Mỹ Hòa Hưng và Mỹ Khánh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).

Bên cạnh mặt đạt được, quá trình quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị của TP. Long Xuyên vẫn còn tồn tại bất cập, như: Đô thị phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; đô thị hóa chưa gắn với chất lượng đô thị; công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng còn hạn chế; việc đầu tư xây dựng dàn trải, chưa đáp ứng tình hình thực tế và mục tiêu đặt ra.

Công tác lập lại trật tự đô thị - trật tự công cộng, trật tự xây dựng tuy được tăng cường quyết liệt, nhưng vẫn còn tình trạng cất, sửa chữa nhà sai phép, không phép xảy ra trên địa bàn. Giải quyết sớm nút thắt này, TP. Long Xuyên mới thực sự “cất cánh”.

Từ thực tế trên, đồng thời góp sức vào quá trình quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị tỉnh An Giang đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2025 (theo Chương trình hành động 15-CTr/TU, ngày 15/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh), Thành ủy Long Xuyên xây dựng kế hoạch cho địa phương.

Quan điểm của TP. Long Xuyên là công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước, tạo nguồn lực cho phát triển đô thị; kết hợp đồng bộ, hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển khu đô thị mới, bảo đảm kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ bản sắc, yếu tố văn hóa đặc trưng; bảo đảm chất lượng sống ở mức cao, đáp ứng nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, TP. Long Xuyên đạt tỷ lệ 20-25% đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên; 20-25% đất giao thông trên đất xây dựng đô thị (đến năm 2030 đạt 26,5%); diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị bình quân từ 8-9m2/người dân đô thị (đến năm 2030 đạt trên 10m2); diện tích sàn nhà ở bình quân 28m2/người tại khu vực đô thị (đến năm 2030 đạt tối thiểu 32m2); hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ toàn bộ hộ gia đình; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 50% (đến năm 2030 trên 80%)...

“Để làm được điều đó, địa phương xác định phải triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Chúng tôi quyết tâm tạo môi trường thuận lợi nhất, với các cơ chế, chính sách hấp dẫn, đủ mạnh để thu hút đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nhà ở, nhà cho thuê đối với người thu nhập thấp, thu nhập trung bình; cải tạo, chỉnh trang đô thị”- Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây nhấn mạnh.

Các giải pháp đồng bộ khác được địa phương đề ra, gồm: Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu đặt ra; xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn, trật tự đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.

Đó là chuyện của lâu dài. Còn trước mắt, địa phương xây dựng kế hoạch trồng cây xanh trên tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; đảm bảo tỷ lệ bao phủ cây xanh trên địa bàn. Cùng với đó là tăng cường đảm bảo trật tự đô thị, trật tự xây dựng, quản lý thu gom rác thải, lắp đặt đèn đường nông thôn, ngõ hẻm rộng khắp; lập lại trật tự đô thị, trật tự công cộng, không để tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; rà soát, thống kê danh mục đất công, đất dôi dư để đưa ra phương án khai thác hiệu quả; thực hiện hiệu quả dự án khu đô thị mới, mở rộng không gian đô thị về phía Tây… Mỗi bước đi nhỏ, mỗi quyết tâm nhỏ nếu được thực hiện tốt sẽ tạo thành hành trình vững chắc, rút ngắn đích đến cho địa phương.

TP. Long Xuyên được quy hoạch trở thành đô thị nước thông minh, gắn bó chặt chẽ với nước, bảo tồn bản sắc đặc trưng của đô thị nước, chung sống với nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

GIA KHÁNH