Phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên

08/11/2024 - 06:53

 - Bước vào mùa nước nổi, anh Nguyễn Tấn Tài (xã Vĩnh Trung, TX. Tịnh Biên) mạnh dạn phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo cho khu khách tham quan, trải nghiệm.

Đây là năm đầu tiên anh Nguyễn Tấn Tài triển khai thí điểm hoạt động trải nghiệm mùa nước nổi. Tận dụng thời gian con nước tràn bờ, trên diện tích đất vườn hiện có, anh trồng điên điển, đậu bắp, khổ qua, rau muống, dưới ao nuôi cá trê vàng… Đối với diện tích đất ruộng ngập tự nhiên, anh đăng quầng, dẫn dụ cá tự nhiên, kết hợp trồng sen, đăng dớn bắt cá.

Đến với điểm tham quan của anh Tài, du khách được hòa mình vào thiên nhiên sông nước, khám phá cuộc sống bình dị của người dân miền Tây. Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, lướt nhẹ trên cánh đồng mênh mông nước, khách phương xa trải nghiệm cùng ngư dân giăng lưới, đổ dớn cá linh, chài bắt cá thiên nhiên, tự tay hái chùm bông điên điển vàng rực, mớ rau muống đồng xanh mướt; chế biến món ăn dân dã... Với cư dân thành thị, đây là cảm giác rất thú vị, mới mẻ, độc đáo.

Thu hoạch sen là một trong những trải nghiệm thú vị

“Chiến lợi phẩm” sau một buổi rong ruổi ngoài đồng sẽ trở thành món ăn hấp dẫn. Cách thưởng thức ngon nhất vẫn là chế biến đơn giản, như: Chiên, nướng, nấu canh chua, lẩu, kho sả… “Nguyên liệu được chế biến ngay sau khi bắt nên rất tươi, ngon. Tất cả được chính tay du khách thu hoạch nên ai nấy khá hào hứng” - anh Tài chia sẻ.

Đặc biệt, nếu có nhu cầu, du khách còn được trải nghiệm hoạt động tắm đồng, chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, mát lành. Đến khi ra về, du khách có thể mua sản phẩm khô cá lóc do gia đình anh Tài chế biến. Khô được phơi trong nhà kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình mới được triển khai nên chưa thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, anh Tài tin tưởng rằng, loại hình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi này phát triển trong thời gian sớm nhất.

Được biết, điểm đến của anh Nguyễn Tấn Tài thuộc dự án “Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục vùng đất ngập nước và quá trình tự nhiên của ĐBSCL tại Khu Bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư”. Dự án có sự tham gia hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đầu tư sinh kế mùa nước lũ ở vùng đệm khu cảnh quan rừng tràm Trà Sư.

Đến với mô hình của anh Tài, du khách được tận tay chuẩn bị cho món ăn của mình

Năm 2024, nhiều nhóm, tổ nông dân đăng ký tham gia dự án. Điển hình như: Nhóm Nguyễn Văn Tâm, với mô hình trồng lúa chét kết hợp đăng quầng trữ cá tự nhiên trên ruộng lúa có thả cá bổ sung (67,5ha); nhóm Nguyễn Tấn Tài với mô hình đăng quầng trữ cá tự nhiên trên ruộng lúa kết hợp trồng sen và thả cá bổ sung (50ha); nhóm Nguyễn Văn Bình trồng lúa Hương Lài kết hợp đăng quầng trữ cá tự nhiên trên ruộng lúa, (3ha); nhóm Đoàn Văn Tuấn trồng điên điển kết hợp đăng quầng trữ cá tự nhiên và trồng lúa Nàng Tây Đùm (3ha).

Dự án hướng tới tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi của con người và thiên nhiên trước tác động của biến đổi khí hậu; được triển khai thông qua hoạt động bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học đất ngập nước, phát triển các mô hình sinh kế dựa vào thiên nhiên vùng thượng nguồn ĐBSCL. Trong đó, chú trọng khôi phục sinh cảnh ngập nước và chu trình tự nhiên của đồng bằng; thực hiện hoạt động can thiệp trong và xung quanh rừng tràm Trà Sư.

Mức hỗ trợ tối đa cho mỗi mô hình 50 triệu đồng/người, thời hạn hỗ trợ tối đa 12 tháng, tùy theo tính chất của mô hình sinh kế và nhu cầu của hội viên. Phương thức trả gốc và lãi được chia đều hàng tháng trong suốt thời gian hỗ trợ, thu hồi mỗi cuối tháng. Qua đó, góp phần tạo nguồn lực phát triển kinh tế địa phương, nhân rộng được một số mô hình hay, hiệu quả, tạo cơ hội việc làm cho người lao động tại chỗ, nhất là vào mùa mưa lũ.

ĐỨC TOÀN