Đón đầu thị trường
Anh Sinh cho biết, dự đoán nhu cầu của thị trường về cây dược liệu, trong đó có cây nấm linh chi ngày càng tăng, anh bắt đầu cải tạo vườn tạp, đầu tư xây dựng nhà trồng nấm với diện tích 40m2, trồng thí điểm 3.000 bịch phôi. Lúc mới bắt tay vào công việc do chưa nắm vững về kỹ thuật nên anh Sinh gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, do đây là mô hình mới được thực hiện tại địa phương nên rất ít người biết đến, trồng với số lượng thấp, khó bán ra thị trường... Không nản lòng, sau 6 năm tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, đồng thời tích lũy kinh nghiệm trong quá trình canh tác trước đó, năm 2017, anh mạnh dạn xây dựng 4 nhà trồng nấm trên diện tích 400m2, trồng với số lượng 20.000 bịch phôi. Đồng thời, xin hỗ trợ công nghệ từ Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh, từ đây việc canh tác của anh Sinh diễn ra thuận lợi hơn.
Trồng nấm linh chi phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng nấm. Nhà trồng phải tuyệt đối sạch sẽ, thông thoáng. Nhiệt độ và độ ẩm giữ ổn định ở mức độ cho phép. Ngoài ra, phải trang bị hệ thống tưới tự động, bên ngoài dùng lưới bao xung quanh nhằm ngăn chặn côn trùng xâm nhập gây hại đến sự phát triển. “Nấm linh chi từ lúc đem phôi về trồng đến lúc thu hoạch khoảng 70 ngày. Năng suất bình quân 25kg/1.000 bịch phôi. Giá bán cho các thương lái ổn định, khoảng 600.000 đồng/kg, trong khi đó giá phôi khoảng 6.000 đồng/bịch” - anh Sinh chia sẻ. Theo anh Sinh, trên cây nấm linh chi thường xuất hiện bệnh như: mốc cam, mốc xanh... Đây là đối tượng gây hại khá nguy hiểm. Do đó, trong quá trình canh tác, phải thường xuyên quan sát để sớm phát hiện bệnh cũng như có biện pháp cách ly kịp thời, tránh lây lan sang các cây khác.
Anh Sinh tiên phong trong việc phát triển mô hình trồng nấm linh chi ở Thoại Sơn
Dược liệu sạch cho mọi nhà
Điểm đặc biệt của mô hình trồng nấm linh chi của anh Nguyễn Hùng Sinh là sử dụng công nghệ tự động ở các khâu chăm sóc, sấy, ra thành phẩm. Để làm được điều này, anh Sinh đầu tư hệ thống tách nước thành sương để tưới; xây hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm tự động điều khiển bằng điện thoại thông minh; trang bị hệ thống sấy bằng năng lượng mặt trời... Nhờ vậy, giúp cây nấm sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất tăng khoảng 30% so với cách trồng truyền thống, đồng thời hạn chế tối đa công lao động trong quá trình chăm sóc. Không những thế, những phôi nấm này còn được trồng theo quy trình kỹ thuật sản xuất sạch, không sử dụng phân bón, hóa chất trong khâu tưới tiêu nên tuyệt đối an toàn cho người sử dụng. Đặc biệt, sản phẩm nấm của anh Sinh được đánh giá tốt hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Anh Sinh cho biết: “Điểm khác biệt giữa nấm linh chi của chúng tôi với những sản phẩm cùng loại là vẫn giữ lại bào tử trong quá trình sấy. Do đó, chất lượng, tính dược được đảm bảo”. Ngoài sử dụng làm dược liệu, anh Sinh còn trồng nấm linh chi trong chậu theo hình thức cây bon sai để phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán. Sản phẩm rất được khách hàng ưa chuộng bởi tính mới lạ, độc đáo.
Theo đánh giá của Hội Nông dân xã Thoại Giang, mô hình trồng nấm linh chi của anh Nguyễn Hùng Sinh mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, để phát triển mô hình này không phải chuyện dễ dàng, do chi phí đầu tư cao, thêm vào đó là loại cây trồng này đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể trồng thành công. Vì vậy, nông dân muốn trồng loại nấm này phải tìm hiểu kỹ, nắm chắc về khoa học - kỹ thuật cũng như quy trình trồng…
Nấm linh chi là một trong những thảo dược quý, giúp củng cố và cải thiện hệ thống tiêu hóa; giảm Cholesterol và mỡ trong cơ thể, cân bằng trao đổi chất; tăng cường hệ miễn dịch, làm mạnh gan, hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư; giúp khí huyết lưu thông và các tế bào hấp thu ô-xy tốt hơn... |
Với thương hiệu Nấm linh chi Trí Thức, sản phẩm gia đình anh Nguyễn Hùng Sinh vừa được Sở Khoa học - Công nghệ cấp quyền sử dụng Sản phẩm chứng nhận An Giang năm 2018. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, khẳng định uy tín, chất lượng đối với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường. |
Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN