Phát triển kinh tế từ nghề chạm, khắc đá

14/08/2024 - 04:42

 - Từ những hòn đá thô sơ, qua đôi bàn tay khéo léo của anh Nguyễn Thành Tới, chủ Cơ sở mỹ nghệ điêu khắc đá Nhi Khánh (xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) trở thành những tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật và thẩm mỹ. Mỗi sản phẩm hoàn thiện là kết tinh của thời gian, công sức, tình cảm của anh Tới đối với công việc đã nuôi sống gia đình hơn 10 năm qua.

Mỗi tác phẩm điêu khắc chứa đựng tâm huyết của anh Tới

Có mặt tại Cơ sở Mỹ nghệ điêu khắc đá Nhi Khánh (xã Định Thành, huyện Thoại Sơn), ấn tượng đầu tiên là tiếng đục đẽo, tiếng máy xay đá vang lên khắp mọi nơi. Trong cái “lộn xộn” của những tảng đá nằm ngổn ngang, những bức tượng sư tử, tượng Phật hiện ra sinh động và nghệ thuật.

Được ngắm nhìn các sản phẩm đá điêu khắc mỹ nghệ đa dạng về chủng loại, mẫu mã, màu sắc rất đẹp mắt, ít ai biết rằng, đằng sau những tác phẩm nghệ thuật đó là bao giọt mồ hôi, công sức và cả tình yêu, niềm đam mê, sáng tạo của người thợ.

Người “thổi hồn” cho những hòn đá vô tri là anh Nguyễn Thành Tới, cũng là chủ Cơ sở mỹ nghệ điêu khắc đá Nhi Khánh. Anh Tới cho biết, đã theo đuổi công việc này hơn 10 năm. Trước đây, vì đam mê với loại hình nghệ thuật này nên anh đã lặn lội đến tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu để “tầm sư học đạo”. Sau 5 năm vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, anh Tới về quê lập nghiệp. Niềm đam mê điêu khắc cùng kiến thức được học và tinh thần ham học hỏi đã giúp cơ sở anh Tới được nhiều người biết đến.

Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ hiểu theo một cách đơn giản nhất là một nghề dựa trên nguyên liệu là đá, thì người nghệ nhân sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để thực hiện việc tạc hình, tạc tượng trên tảng đá đó. Sau một quy trình, công đoạn nhất định sẽ cho ra sản phẩm là một bức tượng hoàn chỉnh.

Thông thường thì các sản phẩm sẽ mang hình dạng của một nhân vật nào đó có sức ảnh hưởng như Phật, Bồ tát, các con vật hay những vật dụng gia đình tùy theo ý muốn của khách hàng cũng như nhu cầu chung của thị trường về tượng đá mỹ nghệ thời điểm đó.

Đưa chúng tôi đi tham quan cơ sở, xen lẫn tiếng máy khoan, máy đục ồn ào, bụi bặm là tiếng trò chuyện, trao đổi công việc rất vui vẻ của những người thợ. Gạt vội những giọt mồ hôi chảy dài trên má và lớp bụi bám đầy trên áo, anh Tới cho biết, dấn thân vào nghề này là phải thực sự chuyên tâm.

Để biến những khối đá vô tri, sần sùi trở nên có hồn, có tính thẩm mỹ cao thì người thợ phải có năng khiếu, con mắt thẩm mỹ và chịu khó trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, không ngừng sáng tạo, tìm tòi học hỏi. Nghề này vất vả, công phu là vậy nhưng mỗi khi hoàn thành xong một tác phẩm là người thợ nào cũng cảm thấy vui và hạnh phúc.

Quả thực, khi chứng kiến những người thợ làm việc mới cảm thấy sự khó khăn, vất vả của công việc này. Nắng nóng, bụi bặm và ồn ào… là những cảm nhận của chúng tôi khi bước vào khu vực sản xuất tại cơ sở. Người thợ vừa phải tỉ mẩn từng nét khắc, vừa vận dụng hết tâm lực của mình cho toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm.

 “Trước khi bắt tay vào ra phôi, tùy vào loại sản phẩm mà chọn khối đá có kích thước phù hợp. Sau đó, người thợ phải hình dung phần nào của sản phẩm hình thành tương ứng với khối đá trước mặt mình cho hợp lý là điều quan trọng. Sự cân đối của sản phẩm tùy thuộc vào giai đoạn phác thảo những đường nét cơ bản này, tức là phải có trí tưởng tượng tốt” - anh Tới chia sẻ thêm.

Với đức tính cần cù cùng đôi bàn tay khéo léo, anh Tới luôn trau chuốt, tỉ mỉ trong công việc, đặc biệt là những việc liên quan đến điêu khắc, chạm trổ. Sản phẩm điêu khắc của anh Tới khá đa dạng, phong phú, từ những bộ bàn ghế, bộ cờ cho đến các tác phẩm tinh xảo, như: Tượng lân, sư, tượng Phật, Bồ tát… tùy theo yêu cầu, sở thích của khách hàng. Các sản phẩm được làm chủ yếu bằng đá trắng Ngũ Hành Sơn, đá granite núi Sập và núi Dài…

Anh Tới cho biết, tùy theo kích cỡ của bức tượng mà thời gian hoàn thành dài, ngắn khác nhau. Có tác phẩm làm vài ngày, nhưng cũng có khi mất vài tuần, thậm chí vài tháng. Với những bức tượng Phật, hay các tượng kích cỡ lớn, như: Sư tử, các loại bàn, ghế, viên đá loại to… thường được các chùa, công ty mua về sử dụng.

Còn người dân và du khách thường mua các mặt hàng lưu niệm, tượng đá nhỏ…Sản phẩm của anh Tới có mặt ở khắp địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Giá sản phẩm cũng rất cạnh tranh, từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. Cũng có những tác phẩm có kích thước lớn, chi tiết phức tạp có giá vài trăm triệu đồng…

Công việc chế tác đá không còn vất vả như trước do một số công đoạn đã có máy móc thay thế. Tuy nhiên, để có một tác phẩm đá mỹ nghệ có chất lượng thì người thợ chế tác đá phải truyền được cái tâm của mình vào từng tác phẩm.

Hiện nay, nhu cầu chơi đá mỹ nghệ càng nhiều vì nó không chỉ đẹp, mà còn có ý nghĩa về mặt phong thủy nên đòi hỏi những cơ sở sản xuất phải có nhiều tác phẩm mang tính nghệ thuật vượt trội hơn nữa. Cơ sở Mỹ nghệ điêu khắc đá Nhi Khánh đang dần đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng nhờ những tác phẩm đá mỹ nghệ hoàn hảo…

MINH ĐỨC