Phát triển môn bóng rổ ở thành phố trẻ

21/02/2023 - 05:47

 - Từng là địa phương nổi danh với phong trào bóng rổ, TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) đang nỗ lực phát triển trở lại môn thể thao này. Hiện nay, ngành thể thao thành phố đã xây dựng được đội ngũ nòng cốt nhằm vực dậy thế mạnh thể thao từng bị “bỏ quên” trong thời gian dài.

Niềm tự hào quá khứ

Nhắc đến Châu Đốc, những người đam mê thể thao ở độ tuổi trung niên sẽ không thể quên hình ảnh đội bóng rổ của địa phương từng nổi danh khắp khu vực ĐBSCL và cả nước. Đã có một thời, bóng rổ trở thành bộ môn được rất đông người hâm mộ tại Châu Đốc yêu thích, thu hút cả nam và nữ tham gia thi đấu sôi nổi.

Ông Lưu Huê Minh (vận động viên chuyên nghiệp trong thập niên 1980 của thành phố) cho biết: “Cách đây 40 năm, đội bóng rổ nam, nữ của Châu Đốc thi đấu chuyên nghiệp, gặt hái rất nhiều thành công ở khu vực ĐBSCL, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ. Thời đó, phong trào bóng rổ của Châu Đốc phát triển rất mạnh, chủ yếu là trong cộng đồng người Hoa. Hàng ngày, chúng tôi tham gia tập luyện, thi đấu trên sân chuyên dụng đặt trước UBND phường Châu Phú A hiện nay. Bóng rổ dần trở thành môn thể thao phổ biến cho tất cả người dân ở vùng biên giới này vài chục năm trước đây”.

Trong trí nhớ của ông Lưu Huê Minh, những năm tháng huy hoàng của bóng rổ Châu Đốc cứ hiện về qua từng câu chuyện. Ngoài ông Minh, những vận động viên của đội tuyển bóng rổ Châu Đốc giai đoạn đó vẫn còn đam mê môn thể thao này cho đến bây giờ.

Bà Vương Kim Phượng (thành viên đội bóng rổ nữ TX. Châu Đốc giai đoạn 1982 - 1995) vẫn còn nhớ như in những ngày tháng tung hoành khắp các sân bóng rổ ở miền Tây. Ngày đó, bà Phượng mang áo số 5 và người em Vương Kim Thu mang áo số 11. Cả 2 đều là tiền đạo chủ lực ghi điểm nhiều nhất trong các trận đấu từ giao hữu đến chính thức cho đội bóng, khiến các đối thủ phải nể mặt.

Các học viên tập luyện bóng rổ tại Nhà Thi đấu đa năng TP. Châu Đốc

Tuy nhiên, do thiếu thốn về mặt kinh phí, đội bóng rổ Châu Đốc dần giải thể trong sự tiếc nuối của người hâm mộ. Đó cũng là lý do khiến cho phong trào bóng rổ của địa phương rơi vào thoái trào và bị “bỏ quên” trong thời gian dài. Tuy nhiên, với sự quan tâm của ngành thể thao địa phương, phong trào bóng rổ tại TP. Châu Đốc từng bước phát triển trở lại, từ sự đầu tư vào việc xây dựng lực lượng nòng cốt từ tuyến trẻ.

Giờ đây, ông Lưu Huê Minh bước qua tuổi 58, cái tuổi không còn đủ sức để tham gia một trận bóng rổ, nhưng niềm đam mê vẫn cứ tồn tại theo thời gian. Hàng ngày, ông đều đặn đến xem các em, các cháu hăng say tập luyện bóng rổ mà trong lòng cảm thấy vui vẻ, tin tưởng vào sự trở lại của môn thể thao từng là một phần ký ức của thành phố trẻ.

Vực dậy phong trào

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP. Châu Đốc Nguyễn Đức Linh cho biết: “Phát huy truyền thống đam mê bóng rổ của người dân địa phương, chúng tôi đang từng bước xây dựng phong trào trên cơ sở tạo mọi điều kiện cho những người làm chuyên môn phát triển môn thể thao này. Hiện nay, đều đặn 16 giờ các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần, Nhà Thi đấu đa năng TP. Châu Đốc trở nên rất sôi động, với các lớp bóng rổ do một số huấn luyện viên địa phương phối hợp ngành thể thao tổ chức. Bởi tính hấp dẫn sẵn có, lớp bóng rổ thu hút khoảng 40 - 50 em tham gia, chủ yếu là học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố”.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Linh, các huấn luyện viên bóng rổ đang cộng tác với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP. Châu Đốc từng là cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Do đó, sẽ có đủ trình độ để hướng dẫn các các bạn trẻ tiếp cận môn thể thao này. Đến với lớp bóng rổ, các học viên sẽ được hướng dẫn kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao, với mục tiêu tạo nguồn cầu thủ phong trào chất lượng cho thành phố. Trên mặt sân thi đấu đạt chuẩn quốc gia, các bản trẻ có thể tiếp cận với điều kiện tập luyện tốt nhất và thoải mái thể hiện khả năng của mình trong quá trình tập luyện.

“Để hỗ trợ các lớp bóng rổ, chúng tôi không thu phí sân bãi và thường xuyên quan tâm, động viên các em tham gia tập luyện nhằm xây dựng, phát triển phong trào. Đồng thời, phối hợp các trường THPT trên địa bàn thành phố đưa bóng rổ vào phân môn tự chọn của bộ môn giáo dục thể chất. Kết quả thu được rất khả quan, với số lượng học sinh đăng ký ngày càng đông và có cả những học sinh nữ cũng tiếp cận môn thể thao này” - ông Nguyễn Đức Linh cho hay.

Thời gian tới, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP. Châu Đốc sẽ tạo điều kiện kết nối với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức các giải bóng rổ giao hữu, nhằm tạo động lực để các em hăng hái tham gia hơn nữa. Về lâu dài, sẽ mời các đội bóng rổ năng khiếu trong, ngoài tỉnh giao lưu để các cầu thủ địa phương có điều kiện cọ xát, học hỏi nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ vận động viên nòng cốt, song song với việc phát triển phong trào theo hướng rộng khắp, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân.

MINH QUÂN