Chú trọng phát triển môn võ cổ truyền
Khen thưởng các võ sinh tại kỳ thi thăng cấp đai
Hiện nay, nhiều CLB võ cổ truyền được thành lập, hoạt động ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng. Vào mỗi buổi chiều tối, CLB võ thuật sinh hoạt tại trường học, trung tâm văn hóa, sân vận động... Được thành lập năm 1990, CLB võ cổ truyền Tây Sơn Xuân Bình (TP. Long Xuyên) là “cái nôi” phát triển môn võ thuật truyền thống của dân tộc trong tỉnh An Giang.
Võ sư Xuân Liễu (Trưởng phái Tây Sơn Xuân Bình) cho biết: “Bên cạnh dạy võ thuật rèn luyện sức khỏe, chúng tôi phát triển môn võ bằng cách thành lập nhiều CLB trong tỉnh; chú trọng dạy cách ứng xử, đạo đức cho người học võ. Đồng thời, thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu, tham gia thi đấu tại giải đấu võ thuật cổ truyền trong và ngoài tỉnh, giúp thành viên có trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm thi đấu, nâng cao trình độ chuyên môn”.
Dù thành lập chưa lâu, nhưng CLB võ cổ truyền xã Vĩnh An (huyện Châu Thành) duy trì hoạt động ổn định 3 buổi/tuần, với khoảng 60 võ sinh, chủ yếu là học sinh địa phương. “Vừa thành lập, chúng tôi nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh. Đây không chỉ là sân chơi để các bạn nhỏ rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất, mà còn góp phần gìn giữ, phát triển võ cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Qua đó, giúp các em có thêm kỹ năng tự bảo vệ bản thân trong cuộc sống hàng ngày” - Chủ nhiệm CLB võ cổ truyền xã Vĩnh An Phạm Văn Hiền chia sẻ.
Ngô Gia Tín (ngụ xã Vĩnh An, tham gia CLB hơn 4 năm) bày tỏ: "Em rất yêu thích môn thể thao truyền thống này. Đến đây, em không chỉ tập luyện, nâng cao sức khỏe, mà còn học được đạo đức, nhất là đạo lý tôn sư trọng đạo. Em sẽ tiếp tục tập luyện để đạt thành tích tốt hơn tại những giải đấu sắp tới". Trần Lâm Bích Trân (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cho biết: “Chỉ mới tập luyện hơn 3 tháng nhưng em thấy thích thú. Em sẽ duy trì tập võ hàng tuần, nhanh chóng nâng cao khả năng tự vệ cho bản thân”.
Qua quá trình phát triển, võ cổ truyền Việt Nam không chỉ đơn thuần là rèn luyện kỹ năng, khả năng tự vệ, nâng cao thể lực con người, mà còn khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần thượng võ và nhân văn của người Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu tập luyện ngày càng cao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang phối hợp Liên đoàn Võ cổ truyền, Pencak Silat - Wushu tỉnh thường xuyên tổ chức thi thăng cấp đai; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho hướng dẫn viên, huấn luyện viên CLB võ cổ truyền. Hàng năm, các đơn vị tổ chức giải vô địch, giải trẻ, giải các CLB… nhằm tạo điều kiện cho võ sinh địa phương thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn. Đây là điều kiện tốt để bộ môn tuyển chọn vận động viên có tố chất, bổ sung cho tuyến năng khiếu tỉnh đào tạo.
Ngành thể thao tỉnh phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, lợi ích, tác dụng của tập luyện môn võ cổ truyền, giáo dục đạo đức, nhân cách và truyền thống văn hóa của dân tộc. Đồng thời, đổi mới, nâng cao phương pháp huấn luyện, giảng dạy tại CLB võ thuật nói riêng, võ cổ truyền nói riêng. Bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện cho vận động viên tập huấn, thi đấu giao hữu ở nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, sẵn sàng tham dự giải đấu lớn trong nước và quốc tế, hướng đến thành tích cao nhất.
LÊ HOÀNG