Phong trào quần vợt ngày càng phát triển
Nếu như trước đây, quần vợt là môn thể thao chỉ dành cho những người có điều kiện thì hiện nay, phong trào tập luyện quần vợt đã mở rộng đến nhiều đối tượng, lứa tuổi. Hàng ngày, vào buổi sáng sớm và chiều muộn là lúc nhiều tay vợt trong các câu lạc bộ (CLB) quần vợt đến sân để tập luyện sau một ngày làm việc vất vả. Những người đam mê với trái bóng nỉ tự bắt cặp với nhau tập luyện. Dù mỗi người có hoàn cảnh, nghề nghiệp và cuộc sống khác nhau, nhưng khi tham gia quần vợt, khoảng cách giữa họ dường như không còn.
Chị Lê Tú Thanh (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) cho biết: “Quần vợt là môn thể thao dễ luyện tập, chứ không khó như nhiều người nghĩ. Môn này buộc người chơi phải trang bị các dụng cụ với kinh phí tương đối cao so với các môn thể thao khác, nhưng bây giờ dễ tiếp cận. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng sự đam mê và sức khỏe của bản thân”.
Sự phát triển của quần vợt phong trào còn được ghi nhận khi những sân bãi tập luyện ngày càng nhiều và được xây dựng quy mô. Nhờ vào nguồn xã hội hóa, nhiều cá nhân, tổ chức đứng ra đầu tư trang thiết bị tập luyện với chất lượng cao. Hệ thống sân bãi đầu tư đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân. Hầu hết các địa phương đều thành lập CLB quần vợt và có sân quần vợt hoạt động.
Để nâng cao chất lượng, nhiều CLB chủ động việc tập luyện, mời huấn luyện viên giàu kinh nghiệm về huấn luyện kỹ thuật cho các hội viên. Qua các lớp huấn luyện, thành tích, trình độ thi đấu của các tay vợt tăng lên đáng kể. Anh Nguyễn Hoàng Hải (ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Dù công việc tất bật, nhưng chiều nào tôi cũng tranh thủ ra sân tập luyện cùng với anh em. Nhờ vậy, sức khỏe của tôi được cải thiện rất nhiều. Bên cạnh việc tập luyện, tôi còn được thi đấu giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công việc, cuộc sống với mọi người trong CLB”.
Để thúc đẩy phong trào quần vợt phát triển, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Quần vợt tỉnh phối hợp tổ chức nhiều giải đấu cấp tỉnh và khu vực, thu hút đông đảo vận động viên (VĐV) đến từ các CLB quần vợt trong và ngoài tỉnh tham gia tranh tài. Các sở, ngành và địa phương còn đưa môn quần vợt vào chương trình các hội thao, giải thể thao hàng năm. Qua đó, tạo điều kiện cho các tay vợt được rèn luyện sức khỏe, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Đặc biệt, thông qua các giải đấu, giúp giới chuyên môn tuyển chọn được các VĐV có trình độ cao tham gia các giải đấu trong khu vực.
Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Liên đoàn Quần vợt tỉnh đẩy mạnh phong trào tập luyện, từng bước nâng cao tỷ lệ người tập và chất lượng chuyên môn. Đồng thời, tích cực huy động các nguồn tài trợ để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả hoạt động; phối hợp tổ chức nhiều giải đấu cấp tỉnh nhằm nâng cao trình độ các VĐV. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo phong trào, bồi dưỡng năng khiếu, cử các VĐV tham gia các giải đấu cấp khu vực và quốc gia, giúp cho các tay vợt có dịp gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm trong thi đấu…
LÊ HOÀNG