Phát triển thương mại điện tử

01/11/2023 - 05:57

 - Hoạt động thương mại điện tử, mua bán trực tuyến trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được ưu tiên lựa chọn. Các tổ chức, cá nhân, DN quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu thông qua thương mại điện tử.

Đại diện Sở Công Thương An Giang cho biết, các nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử được khai thác hiệu quả, giúp các DN tiếp cận phương thức phân phối mới trong thời đại công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua tiết giảm chi phí nhân lực, tài chính so với phương thức kinh doanh truyền thống.

Từ đó, có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường trong nước và hướng tới thương mại điện tử xuyên biên giới…. góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển thương mại điện tử của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đạt kết quả đáng phấn khởi.

Có 16 chỉ tiêu, trong đó có 1 chỉ tiêu vượt, 9 chỉ tiêu đạt theo kế hoạch đề ra của UBND tỉnh và 6 chỉ tiêu chưa được thống kê đầy đủ. Cụ thể, có 100% đơn vị cung cấp điện, nước triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Số lượng người dân thanh toán không dùng tiền mặt đối với hóa đơn tiền điện là 214.460 hộ (tỷ lệ 100%); số lượng người dân thanh toán không dùng tiền mặt đối với hóa đơn tiền nước là 45.104 hộ (đạt tỷ lệ 12%).

Bên cạnh đó, 100% đơn vị viễn thông (VNPT An Giang, Viettel An Giang, Mobifone An Giang) chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh và bệnh viện ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; các cửa hàng, đại lý bán lẻ có thực hiện thanh toán đơn hàng thông qua hình thức chuyển khoản, quét mã... Cùng với đó, có 79 cơ quan, DN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thủ tục đăng ký sàn thương mại điện tử với Bộ Công Thương theo đúng quy định; có 100% sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được trưng bày hoặc bán trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh và các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Thời gian qua, Sở Công thương An Giang đã chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, lợi ích và hiệu quả của việc ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày của người dân (trong đó có cán bộ, công chức, viên chức) trên địa bàn tỉnh.

Tổ công nghệ số cộng đồng tại 156 xã, phường, thị, trấn, với 6.517 thành viên tham gia là cánh tay nối dài của chính quyền, trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kỹ năng số, sử dụng ứng dụng số và thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần tăng tỷ lệ tham gia thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh… Người dân cũng từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.

Chị Nguyễn Ngọc Thủy (viên chức ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ: "Ngày trước, tôi thường rút nhiều tiền mặt tại các ATM để chi tiêu gia đình. Từ ngày hưởng ứng việc chi tiêu không dùng tiền mặt, tôi đã quen với việc thanh toán bằng quét mã, chuyển khoản khi đi siêu thị, ăn uống hàng quán, mua sắm. Tôi thấy tiện lợi và an toàn hơn rất nhiều, vì không phải thường xuyên đi rút tiền, ra đường không lo bị mất ví".

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh hỗ trợ các DN xây dựng website thương mại điện tử, tổ chức đào tạo, tập huấn giải pháp phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm quản trị DN vào hoạt động sản xuất - kinh doanh; triển khai biện pháp hỗ trợ DN của tỉnh tích cực tham gia các nền tảng xuất khẩu trực tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cà-phê, triển khai mô hình chợ công nghệ 4.0, mô hình “tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt”…

Đồng thời, tổ chức các sự kiện thương mại điện tử thường niên mang tính kích cầu cho thị trường trong nước và mở rộng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ và khuyến khích người dân, DN sử dụng các giải pháp thanh toán đảm bảo trong giao dịch thương mại điện tử; duy trì hoạt động thường xuyên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của tỉnh trên môi trường trực tuyến.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ trực tuyến trong các lĩnh vực du lịch, số hóa một số điểm đến du lịch của tỉnh để tăng cường ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch. Trong lĩnh vực giao thông vận tải,  sẽ triển khai dịch vụ đặt chỗ, mua vé xe, gọi xe taxi, xe môtô 2 bánh. Trong lĩnh vực giáo dục, sẽ tăng cường đào tạo trực tuyến. Ở lĩnh vực y tế, sẽ thực hiện tư vấn khám bệnh trực tuyến, lấy số thứ tự online, làm hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, không dùng tiền mặt trong thanh toán dịch vụ khám, chữa bệnh…

NGỌC GIANG