Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần

02/08/2021 - 06:38

 - Trong quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “... gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Trong đó, Đảng ta coi phát huy giá trị văn hóa như một trọng tâm, gồm: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững.

Thực tiễn đã chứng minh từ khi nước ta giành được độc lập, xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là hơn 35 năm đổi mới, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã được cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân nuôi dưỡng, phát huy; có những hình thức phát triển phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu của đất nước; văn hóa và giá trị văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, kết hợp với du lịch, dịch vụ, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước.

Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, bằng sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó phải kể đến những thành tựu về văn hóa. Tại An Giang, ngành văn hóa - thể thao và du lịch đã có những bước phát triển vượt bậc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Bạn Đinh Văn Tùng (ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) phấn khởi cho biết: “Tôi nhận thấy phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của đất nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng ngày càng phát triển. Nhiều chương trình nghệ thuật được dàn dựng rất chỉn chu, nội dung hấp dẫn, độc đáo. Tại An Giang, điển hình như chương trình nghệ thuật chào năm mới được tổ chức vào đêm giao thừa hàng năm, với những ca sĩ nổi tiếng, những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, vùng đất và con người An Giang, khán giả xem chương trình ai cũng khen”.

Phát huy giá trị văn hóa nhằm nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, nhân lên lòng yêu nước, ý chí khát vọng và tinh thần cống hiến của mỗi người dân

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đề cập một cách nhất quán với những nhận thức mới: “Kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, con người”. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Đảng trong nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời là một trong những định hướng phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII được xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”. Đây là một trong những nhiệm vụ nặng nề, cần quyết tâm cao với những giải pháp đồng bộ và thể hiện rõ trách nhiệm chính trị của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và từng cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp, từ quan điểm chỉ đạo trên, An Giang đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người An Giang văn hóa, văn minh… Tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhận thức về văn hóa ngày càng hoàn thiện hơn, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo vệ, kế thừa và phát huy… Thời gian tới, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tiếp tục quan tâm nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch phục vụ du khách…

Quan tâm cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, để các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đi vào thực tiễn. Hàng năm, xây dựng các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý văn hóa các cấp, đào tạo đội ngũ kế cận, am hiểu công nghệ để áp dụng trong lĩnh vực văn hóa. Hoàn thiện thể chế chính sách trong quản lý văn hóa, như: cải cách thủ tục hành chính, thu hút nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa…

Hiệu quả cao nhất mà văn hóa và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam mang đến chính là nuôi dưỡng tình quê hương đất nước, nhân lên lòng yêu nước, ý chí khát vọng và tinh thần cống hiến của mỗi người dân ra sức thi đua lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu và công tác vì sự phát triển toàn diện của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự trường tồn của dân tộc.

THU THẢO