Phát triển văn hóa trong tình hình mới

02/12/2024 - 07:51

 - Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, sức mạnh nội sinh và động lực quan trọng để phát triển đất nước. Chính vì vậy, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước, cấp ủy Đảng, chính quyền xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Thấm nhuần chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, những năm qua, Tỉnh ủy xác định việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Nhiệm vụ xây dựng, phát triển toàn diện con người An Giang được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của địa phương, ưu tiên nguồn lực cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp các dân tộc. Những nỗ lực này góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giữ gìn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa được thực hiện đúng theo quy định, đảm bảo giữ gìn yếu tố gốc cấu thành di tích. Đến tháng 3/2024, toàn tỉnh có 90 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng (trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh). Giai đoạn 2013 - 2023, toàn tỉnh trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp 209 lượt di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng; trùng tu 69 đình làng chưa xếp hạng trên địa bàn. Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng dân tộc được đặt biệt quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

An Giang hiện có 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các điểm di tích văn hóa - lịch sử được xếp hạng trên địa bàn tỉnh trở thành điểm đến du lịch khá hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Tỉnh có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Di tích Óc Eo - Ba Thê, hàng năm đón nhiều lượt lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, cán bộ, Nhân dân, chiến sĩ từ mọi miền đất nước đến thăm viếng, góp phần giáo dục lòng yêu nước, yêu Tổ quốc cho các tầng lớp Nhân dân, quảng bá hình ảnh tỉnh An Giang.

“Em vô cùng tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất An Giang anh hùng, quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Được tham gia về nguồn ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), em càng hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp Bác Tôn. Em nguyện tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu theo tấm gương Bác Tôn kính yêu, phấn đấu trở thành công dân có ích, tích cực đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng phát triển” – đoàn viên Nguyễn Văn Thanh (ngụ huyện Thoại Sơn) cho biết.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc và tuyên truyền rộng rãi quan điểm, nhiệm vụ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người được xác định trong Nghị quyết 33-NQ/TW; gắn kết chặt chẽ các mục tiêu văn hóa với Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và ý kiến chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc.

“Cần đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, đề cao liêm chính để ngăn chặn suy thoái đạo đức trong cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, ưu tiên đầu tư xây dựng công trình, thiết chế văn hóa và hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân, nghệ sĩ trong việc giữ gìn và sáng tạo nghệ thuật. Đẩy mạnh xã hội hóa để huy động nguồn lực phát triển văn hóa” – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng yêu cầu.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định, chính sách về văn hóa, phù hợp thực tiễn; tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra, ngăn chặn sự xâm nhập văn hóa phẩm độc hại, trái với thuần phong mỹ tục; chú trọng tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ văn hóa. Quan tâm đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân, diễn viên, văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng lực lượng trẻ, có năng khiếu, đam mê lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.

Tỉnh thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và giá trị chân - thiện - mỹ cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa - nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Mặt khác, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, ứng dụng công nghệ số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và các thách thức toàn cầu (biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và an ninh phi truyền thống).

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tăng cường tuyên truyền tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới; tạo điều kiện thuận lợi để huy động sự tham gia của cộng đồng, xã hội hóa nguồn lực cho hoạt động văn hóa.

THU THẢO