Một cảnh trong phim “Mai” chiếu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. (Ảnh: ĐOÀN PHIM CUNG CẤP)
Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phim Việt đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng, dù chỉ có khoảng 10 dự án điện ảnh ra mắt. Có thể kể đến các bộ phim nổi bật về doanh thu: “Nhà bà Nữ” (hơn 475 tỷ đồng), “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” (272 tỷ đồng), “Siêu lừa gặp siêu lầy” (122 tỷ đồng), “Chị chị em em 2” (121 tỷ đồng), “Đất rừng phương Nam” (hơn 140 tỷ đồng), “Em và Trịnh” (hơn 100 tỷ đồng)…
Xét về mặt doanh thu, đây là thành tích tốt nhất của thị trường điện ảnh trong nước 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo đánh giá từ giới chuyên môn, đôi khi doanh thu không tỷ lệ thuận với chất lượng. Một số phim chất lượng thấp nhưng vẫn tạo được sự tò mò, lôi kéo khán giả ra rạp nhờ chiến lược quảng bá, truyền thông hiệu quả.
Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 và Giải thưởng Cánh diều 2023, những phim đạt doanh thu trăm tỷ đều không chinh phục được các hạng mục giải thưởng cao nhất. Ngược lại, các bộ phim điện ảnh doanh thu thấp nhất năm 2023 có “Thành phố ngủ gật” (hơn 200 triệu đồng) và “Bên trong vỏ kén vàng” (hơn một tỷ đồng) lại được giới phê bình điện ảnh trong nước và quốc tế đánh giá cao, được công chúng đón nhận tại các liên hoan phim quốc tế. “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân còn giành giải thưởng Camera Vàng hạng mục dành cho những phim đầu tay xuất sắc.
Nửa cuối năm 2023, thị trường điện ảnh có phần chững lại, không ít phim ra rạp vừa kém về doanh thu vừa bị đánh giá là chất lượng thấp. Một số phim gây ồn ào khi sử dụng cảnh nóng làm yếu tố câu khách. Các phim gắn nhãn “T18” (cấm người xem dưới 18 tuổi) liên tục ra rạp, như: “Người vợ cuối cùng”, “Chiếm đoạt”, “Live: Phát trực tiếp”, “Người mặt trời”... Thực tế cho thấy, công chúng hiện nay đã có những nền tảng và nhận định khách quan, nghiêm khắc hơn, nhanh chóng xác định các yếu tố mang tính chiêu trò nên hướng đi này bị đánh giá là phản cảm, tạo hiệu ứng ngược.
Hiện tại, một số dự án phim điện ảnh ra rạp vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, gồm: “Mai” của đạo diễn Trấn Thành, “Gặp lại chị bầu” của Nhất Trung, “Sáng đèn” của Hoàng Tuấn Cường đều thuộc thể loại tình cảm, tâm lý, hài hước. Về nội dung phim, các đạo diễn, nhà sản xuất dường như chọn đi theo “công thức” để đạt doanh thu cao như trước đó từng thực hiện.
Trong khi Trấn Thành tiếp tục mời nguyên dàn diễn viên quen thuộc trong các phim trước và bản thân cũng đảm nhận vai người cao tuổi ở phim “Mai” thì “Gặp lại chị bầu” gợi nhớ cho công chúng về tác phẩm từng đoạt doanh thu trăm tỷ của Nhất Trung là “Cua lại vợ bầu”. Phim lặp lại mô típ chuyện tình tay ba với những tình huống hài hước.
Mùa phim Tết đánh dấu bước khởi đầu và là bước tạo đà cho thị trường điện ảnh trong năm mới, song, những năm gần đây, dường như phim Tết ít để dư âm, thậm chí còn có nhiều yếu tố khiến giới làm nghề và công chúng trăn trở. Yếu tố ăn khách luôn được các nhà làm phim tính toán để đạt doanh thu khả quan.
Chính vì vậy, chất lượng phim thường không mấy ấn tượng, thậm chí còn có những phim hài nhạt nhẽo, kém duyên. Nguyên do dẫn đến hiện tượng này, theo nhận định từ giới chuyên môn bắt nguồn từ tâm lý chung của các nhà làm phim Tết hầu như đầu tư ít, làm phim với mục đích xoay vòng vốn nhanh, đáp ứng tâm lý thông thường của khán giả là tìm kiếm những tiếng cười đầu xuân và không nên quá đòi hỏi, cầu toàn. Dù vậy, ở góc độ nghề nghiệp, công chúng luôn mong đợi những tác phẩm tốt về nội dung, thể hiện được cái tầm, cái tâm của người làm nghề, và Tết càng là dịp đặc biệt để chú trọng yếu tố đó
Theo Nhân Dân