Pho mát trong ngôi mộ Ai Cập cổ đại chứa vi khuẩn chết người

04/09/2018 - 14:20

Các nhà khảo cổ phát hiện miếng pho mát 3.300 năm tuổi bên trong ngôi mộ Ai Cập cổ đại có chứa vi khuẩn chết người Brucella melitensis.

Theo tờ Fox news, các nhà khảo cổ đã tìm thấy lọ chứa miếng pho mát bên cạnh xác ướp Ptahmes, thị trưởng thành phố Memphis thời Ai Cập cổ đại cách đây 3.300 năm.

Ptahmes khi còn sống là tướng chỉ huy, người trông coi quốc khố và viết sử hoàng gia dưới thời pharaoh Seti I thuộc vương triều thứ 19. Ptahmes cũng phục vụ trong thời đại của pharaoh kế nhiệm là Ramses II.

Ngôi mộ của Ptahmes nằm ở phía nam Cairo suốt hàng ngàn năm. Kể từ khi được khai quật năm 1885, các cổ vật trong ngôi mộ được đem về các bảo tàng ở Hà Lan, Italia và Mỹ.

Pho mát  trong ngôi mộ Ai Cập cổ đại chứa vi khuẩn chết người 

Đây được coi là pho mát lâu đời nhất trên thế giới. Họ đã khai quật được một cái lọ bên trong chứa một khối rắn, trắng từ ngôi mộ. Cái lọ này đã được đào lên lần đầu tiên vào năm 1885 nhưng sau đó lại bị vùi dưới cát cho tới lần khai quật vào năm 2010.

Trải qua hàng ngàn năm, lọ chứa pho mai đã biến đổi thành một dạng chất đặc màu trắng. Nhóm nghiên cứu đem mẫu vật đi phân tích và phát hiện thành phần từ sữa bò và sữa cừu hoặc dê.

Theo nhóm nghiên cứu, pho mát trong lọ có thể là dạng đặc hơn là chất lỏng, vì được bảo quản bằng vải bạt.

Các nhà khảo cổ cũng phát hiện mẫu vật bị nhiễm vi khuẩn chết người Brucella melitensis. Vi khuẩn này lây lan từ động vật sang người do sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng hoàn toàn.

Đây cũng là bằng chứng về sự xuất hiện của vi khuẩn Brucella melitensis lâu đời nhất từ trước đến nay.

Pho mát là sản phẩm được đánh giá cao về hàm lượng chất béo, protein, canxi và phốt pho, dễ dàng vận chuyển và lưu trữ dài ngày. Pho mát đã là một cách tránh nạn đói và là một món ăn hợp với việc đi du lịch. Có hàng ngàn loại pho mát được sản xuất ở khắp thế giới với đủ các hương vị, màu sắc, độ mềm cứng khác nhau.

Theo HOÀNG DUNG (Infonet)