Phòng, chống ngộ độc thực phẩm

23/02/2023 - 06:48

 - Vừa qua, trên địa bàn huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do chè đậu trắng, được một hộ dân cung cấp miễn phí. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, sản phẩm chè đậu trắng bị nhiễm nhiều loại vi sinh vật, trong đó có chủng Bacillus cereus và độc tố ruột của Bacillus cereus.

Khuyến cáo

Để bảo vệ sức khỏe nhân dân, BS.CKII Nguyễn Chí Công, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang khuyến cáo phòng, chống ngộ độc thực phẩm đến các tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm thực phẩm miễn phí và người dân.

Cụ thể, đối với tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm thực phẩm miễn phí phải bảo đảm các yêu cầu: Sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí, hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán… phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, bao bì nguyên vẹn, chấp hành đúng các quy định về đăng ký, tự công bố sản phẩm, phân phát sản phẩm...

Trong quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, các tổ chức, cá nhân tự tổ chức nấu ăn để cấp phát miễn phí cần bảo đảm: Nguyên liệu dùng để chế biến phải còn hạn sử dụng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; khu vực chế biến, nấu ăn phải sạch sẽ, cách biệt với các nguồn ô nhiễm; dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín riêng biệt, bảo đảm vệ sinh; có đủ nước sạch để sử dụng; có nơi rửa tay; thực hiện rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm; có thùng đựng rác, bảo đảm có nắp đậy.

Đồng thời, tuân thủ các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) trong bảo quản, vận chuyển thực phẩm. Lưu ý đảm bảo các điều kiện về nhiệt độ bảo quản; các biện pháp phòng, chống bụi bẩn, côn trùng… phương tiện vận chuyển và dụng cụ bảo quản không làm ô nhiễm thực phẩm.

Đối với người tiêu dùng thực phẩm: Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm nghi ngờ không đảm bảo an toàn như đã hết hạn sử dụng, bao bì bị phồng, bẹp, biến dạng, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường... Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; không được để các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hoặc các chất gây độc khác ở trong khu vực chế biến thực phẩm. Khi chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh.

“Đặc biệt, nên thực hiện ăn chín, uống chín. Cần bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín: Thức ăn cần được che đậy để tránh bụi, ruồi hay sự xâm nhập của côn trùng và các động vật gây hại. Không để lẫn thực phẩm sống và thức ăn chín vì dễ nhiễm vi khuẩn. Đồng thời, lưu ý cần đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi ăn, khi thức ăn bị hỏng cần đổ bỏ. Người dân khi gặp phải các triệu chứng ngộ độc thực phẩm (đau bụng, tiêu chảy, nôn…) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời” - BS.CKII Nguyễn Chí Công đề nghị.

Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra

Thực tế thời gian qua, trong cộng đồng có rất nhiều hộ dân, tổ chức xã hội, hội thiện nguyện… tập trung chế biến thức ăn để phân phát miễn phí đến người dân xung quanh có nhu cầu, người viếng thăm tại các nơi tâm linh, tín ngưỡng (chùa, đình, ban trị sự…).

Để tăng cường đảm bảo ATTP, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng các vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật liên quan, bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm từ khâu cấp cứu kịp thời, điều trị tích cực, nhanh chóng tiến hành điều tra nguyên nhân ngộ độc, cảnh báo kịp thời cho cộng đồng. Phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động truyền thông về ATTP; khuyến cáo người dân cách lựa chọn thực phẩm an toàn; những nguyên tắc và quy định về ATTP trong quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển đến người tiêu dùng; hướng dẫn phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế An Giang tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động các cơ sở sản xuất - kinh doanh, chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống chấp hành tốt các điều kiện vệ sinh ATTP. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm, thực phẩm được cho tặng miễn phí hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán khuyến mãi, bán nhân đạo mà các tổ chức, cá nhân thực hiện (nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, việc chấp hành các quy định về đăng ký, tự công bố sản phẩm, quá trình vận chuyển, bảo quản, phân phát sản phẩm…).

Tại các cơ sở giáo dục, cũng cần tăng cường kiểm tra căn-tin, bếp ăn tập thể cho học sinh bán trú về công tác bảo đảm vệ sinh, ATTP. Vai trò chính quyền địa phương không kém phần quan trọng. UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường quản lý ATTP tại các nơi tập trung đông người, như: Chùa, đình, Ban Trị sự Phật giáo, bếp ăn từ thiện… đóng trên địa bàn quản lý; tuyên truyền kiến thức về ATTP, những quy định và trách nhiệm khi tổ chức các bếp ăn tập thể nơi đông người.

Cùng với đó, tập huấn kiến thức ATTP cho người chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phát thức ăn tại các bếp ăn từ thiện, miễn phí. Giám sát, kiểm soát, quản lý chặt chẽ công tác ATTP những địa điểm thường xuyên tổ chức tập trung chế biến, nấu thức ăn phục vụ đông người, cho, phát tặng miễn phí tại địa phương.

Bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP giữ vị trí quan trọng trong bảo vệ sức khỏe. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống, tăng cường sức lao động, học tập, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, văn hóa - xã hội và thể hiện nếp sống văn minh.

HẠNH CHÂU