Khám và tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện, Trưởng phòng khám nhân đạo huyện Tri Tôn Lê Thị Mộng Trinh cho biết, thành lập từ năm 2003, phòng khám điều trị miễn phí cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân mắc bệnh mãn tính (di chứng tai biến mạch máu não, viêm cơ xương khớp, thần kinh tọa, viêm xoang, huyết áp, gai xương, tiểu đường…). Đơn vị áp dụng phương pháp y học cổ truyền, như: Châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt, tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng...
Hiện nay, đội ngũ thầy thuốc, nhân viên, tình nguyện viên của phòng khám, gồm: 1 bác sĩ, 11 y sĩ, 1 lương y thừa kế, 2 kỹ thuật viên, 1 hộ lý và 3 nhân viên, phụ trách 10 phòng chuyên môn (phòng khám và tư vấn bệnh, phòng thuốc nam, thuốc bắc, vật lý trị liệu, châm cứu laser…). Trung bình, mỗi ngày từ 30 - 40 bệnh nhân ngoại trú đến KCB.
Ngoài ra, phòng khám còn trang bị 100 - 120 giường lưu trú cho bệnh nhân điều trị nội trú. Phòng khám phối hợp Bếp ăn tình thương Hội Chữ thập đỏ huyện phục vụ nước đun sôi, cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân, thân nhân. Riêng năm 2022, phòng khám điều trị cho 47.262 lượt bệnh nhân (trong đó 14.179 lượt đồng bào dân tộc thiểu số Khmer), tổng giá trị quy thành tiền gần 1 tỷ đồng; xem mạch cho 2.525 lượt bệnh nhân, bốc miễn phí 11.837 thang thuốc nam và 3.440 thang thuốc bắc, quy thành tiền gần 320 triệu đồng.
Đúng như tên gọi “nhân đạo”, không kể giàu, nghèo, bệnh nhân đến với phòng khám đều được điều trị hoàn toàn miễn phí. Nhiều người bị bệnh nặng, đi đứng, nói năng không được, sau 3 tháng điều trị đã thuyên giảm rất nhiều, có thể tự đi lại. Tiếng lành đồn xa, Phòng khám nhân đạo huyện Tri Tôn tiếp nhận nhiều người bệnh đến từ các tỉnh lân cận: Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ... và cả Campuchia.
Ông Thạch Đen (huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) được mọi người chỉ đến đây điều trị di chứng tai biến mạch máu não. Hơn 1 tháng, ông thấy hiệu quả rõ rệt: “Nhờ y, bác sĩ và nhân viên phòng khám tận tình điều trị, châm cứu, tập vật lý trị liệu và uống thuốc, bây giờ sức khỏe tôi cải thiện rất nhiều. Hơn nữa, có chỗ ở nội trú cho người bệnh ở xa, nên việc điều trị rất thuận lợi”.
Mấy năm trước, bà Hoàng Thị Hồng (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) liệt nửa người vì bệnh nhồi máu não. Sau khi xuất viện, bà đến phòng khám châm cứu. “Điều trị hết bệnh, tự đi lại được, tôi trở về nhà. Gần đây, thời tiết thay đổi, tay chân tê nhức, tôi quay lại phòng khám hơn 10 ngày. Các y, bác sĩ, nhân viên của phòng khám, vui vẻ, tận tình, tạo cho người bệnh cảm giác thoải mái. Đặc biệt, phòng khám điều trị bệnh hoàn toàn miễn phí, giúp rất nhiều cho người có kinh tế khó khăn, bệnh tật như tôi” - bà Hồng bày tỏ.
“Phòng khám phục vụ cho tất cả bệnh nhân, hoàn toàn miễn phí. Tôi một lòng làm việc tại phòng khám, còn sức khỏe ngày nào thì phục vụ đến ngày nấy” - lương y Trần Phước Thành cho biết. Tương tự, kỹ thuật viên Mai Thị Thơm đồng hành với phòng khám từ lúc thành lập, chia sẻ: “Đến phòng khám, đa số là bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Dù không hưởng lương, nhưng tôi vẫn hết lòng với công việc hiện tại, vì ý nghĩa thiết thực mang lại. Tôi sẽ tiếp tục gắn bó với phòng khám nhân đạo này, vì giúp người là một niềm vui to lớn”.
Bà Lê Thị Mộng Trinh thông tin thêm: “Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về kinh phí, nhân lực cũng như trang thiết bị, nhưng tất cả mọi người trong phòng khám luôn lấy y đức của người thầy thuốc làm căn bản. Tất cả cùng suy nghĩ đóng góp công sức, cố gắng giúp đỡ bà con điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe họ thật tốt”.
Phòng khám nhận được rất nhiều sự đồng tình, ủng hộ, tri ân của người dân trong và ngoài địa phương, nhất là người đã, đang trực tiếp điều trị. Hiệu quả mang lại là động lực, tiếp thêm niềm tin, giúp bệnh nhân nghèo vượt qua khó khăn, bệnh tật. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, Phòng khám nhân đạo huyện Tri Tôn sẽ tiếp tục được cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ; phát triển về quy mô lẫn chất lượng; đổi mới để từng bước nâng cao hiệu quả công tác KCB và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
TRỌNG TÍN