Phòng thí nghiệm sâu nhất thế giới ở Trung Quốc 'bắt' vật chất tối

11/12/2023 - 09:00

Các nhà khoa học tin rằng phòng thí nghiệm sâu dưới lòng đất sẽ cung cấp một không gian “sạch” để họ theo đuổi chất vô hình được gọi là vật chất tối.

Chinadaily đưa tin, phòng thí nghiệm vật lý có tên gọi DURF, nằm ở độ sâu 2.400m dưới núi Cận Bình ở khu tự trị Di Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên (phía Tây Nam Trung Quốc), bắt đầu đi vào hoạt động hôm 7/12, trở thành phòng thí nghiệm dưới lòng đất sâu nhất và lớn nhất thế giới.

Công nhân làm việc tại công trường xây dựng DURF, giai đoạn hai của Cơ sở thí nghiệm ngầm Cận Bình ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)

Các nhà khoa học tin rằng phòng thí nghiệm cung cấp một không gian “sạch” để họ theo đuổi chất vô hình được gọi là vật chất tối. Họ cho biết độ sâu cực cao giúp ngăn chặn hầu hết các tia vũ trụ gây cản trở việc quan sát.

DURF có tổng sức chứa 330.000 m3, là giai đoạn thứ hai của Cơ sở thí nghiệm ngầm Cận Bình của Trung Quốc. Phòng thí nghiệm được bắt đầu xây dựng vào tháng 12/2020 bởi Đại học Thanh Hoa và Công ty TNHH Phát triển Thủy điện Sông Á Long.

Với vị trí cực sâu trong lòng đất, DURF tiếp xúc với lượng luồng tia vũ trụ cực nhỏ, chỉ bằng một phần trăm triệu lượng tia trên bề mặt Trái đất.

Yue Qian, giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, cho biết, DURF có những ưu điểm bao gồm thông lượng tia vũ trụ cực thấp, bức xạ môi trường cực thấp, nồng độ radon cực thấp và không gian cực sạch để giúp tăng khả năng phát hiện vật chất tối.

Các nhà khoa học suy luận rằng vật chất nhìn thấy chỉ chiếm khoảng 5% vũ trụ, trong khi khoảng 95% vũ trụ được tạo thành từ vật chất tối và năng lượng tối.

Nhóm 10 đội đầu tiên từ các trường đại học và tổ chức nghiên cứu nổi tiếng Trung Quốc, như Đại học Thanh Hoa và Đại học Giao thông Thượng Hải, đã có mặt tại DURF để thực hiện các thí nghiệm khoa học.

Giao sư Yue cho biết thêm, DURF sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học sâu dưới lòng đất liên ngành đẳng cấp thế giới, tích hợp nhiều ngành bao gồm vật lý hạt, vật lý thiên văn hạt nhân và khoa học sự sống, để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nghiên cứu của Trung Quốc trong các lĩnh vực liên quan.

Giai đoạn đầu tiên của Phòng thí nghiệm ngầm Cận Bình được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2010, với sức chứa khoảng 4.000 m3. Giai đoạn này đã đạt được một số thành tựu khoa học, nâng các thí nghiệm phát hiện trực tiếp vật chất tối của Trung Quốc lên trình độ tiên tiến trên toàn cầu.

Theo VTC