Góp nhặt đam mê
Cô gái trẻ Trần Hà Giang (25 tuổi, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) là một phóng viên nhưng bạn bè, người thân còn biết đến Giang bởi khả năng biến hóa kỳ diệu với chiếc lò nướng, bột, bơ, sữa… thành nhiều loại bánh. Từ ngày còn là sinh viên, vị ngọt và mùi thơm ngất ngây của những chiếc bánh đã khiến Giang mê mẩn, dần dần tìm hiểu về những chiếc bánh, rồi góp nhặt từng chút kinh nghiệm nhỏ để tự tay tạo nên những tác phẩm của mình.
“Vạn sự khởi đầu nan”, khi mới “chập chững” bắt đầu với “tình yêu” bột, đường, bơ, sữa… Hà Giang dường như bị hoa mắt với vô vàn các công thức và các loại bánh. Chưa kể đến sự lạ lẫm với tên các nguyên liệu: bột mì đa dạng, bột mì số 8, bột mì số 13, sữa nguyên kem, sữa tách béo… Mỗi loại bánh lại có lượng nguyên liệu, kỹ thuật khác nhau. Nhưng rồi, đam mê khiến Giang tiếp tục tìm tòi, học hỏi trên mạng, các group chuyên làm bánh. Từ đó, Giang đã sáng tạo thêm nhiều nguyên liệu khác nhau, cũng như thành công với nhiều loại bánh khác nhau.
Hà Giang chuẩn bị nguyên liệu làm bánh quy và chia sẻ thành quả của mình với những trẻ em trong xóm
Trần Hà Giang chia sẻ: “Trong công việc cũng như trong làm bánh, muốn thành công phải học và đặt hết tâm sức mình vào việc đó. Sau mỗi lần thất bại, mình lại có thêm kinh nghiệm và quan trọng là không nản chí”. Hà Giang cho rằng, người nấu ăn ngon chưa chắc làm bánh được, nhưng người làm được bánh chắc chắn sẽ nấu ăn ngon. Bởi, làm bánh là công việc chẳng hề đơn giản. Từ việc nhớ tên các loại bánh, các công thức cũng như kỹ thuật làm yêu cầu phải có độ chính xác cao. Chỉ một chút sai sót cũng khiến cả mẻ bánh bị hỏng.
Bên cạnh công việc ổn định, Hà Giang coi làm bánh là đam mê và sẽ không bao giờ từ bỏ “tình yêu bột mì” của mình. “Làm bánh sẽ giúp mình thoát khỏi những bó buộc của cuộc sống để thỏa sức sáng tạo. Một chiếc bánh hoàn hảo chỉ có thể được làm từ công thức chuẩn và chính xác đến từng gram, mi-li-lít nguyên liệu. Điều đó không cho phép mình sơ sài mà phải chuẩn xác và tỉ mỉ đến từng chi tiết để có thể kết hợp và tạo ra nhiều kiểu bánh như: bánh bông lan truyền thống, bánh trà xanh, bánh quy, mouse, cheese cake, panna cotta, apple pie…”- Hà Giang cho biết.
Kết nối yêu thương
Những người mê làm bánh không bao giờ cho phép mình đặt giới hạn cho bản thân. Họ luôn muốn thử thách mình với những điều mới lạ. Đối với họ, những điều mới mẻ và mạo hiểm luôn là một phần không thể thiếu. Làm bánh, không chỉ thỏa mãn đam mê mà là hạnh phúc đong đầy khi nghĩ đến những người họ yêu thương thưởng thức, trân trọng những chiếc bánh do họ tự làm. Với Quách Ngọc Mỹ (ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc), làm bánh không quá khó khăn và đó là một trải nghiệm thú vị. “Mỗi lần tạo ra 1 chiếc bánh, 1 hương vị mới, với bà mẹ trẻ là niềm vui khôn tả. Mỗi chiếc bánh Mỹ làm ra đều mong muốn mang niềm vui đến ông xã, 2 cậu nhóc và những người thân, bạn bè khi thưởng thức”- Ngọc Mỹ cho biết.
Công việc làm bánh giúp Mỹ giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, rèn luyện bàn tay khéo léo, tính kiên trì và cân bằng cuộc sống. Không chỉ thích mà Ngọc Mỹ còn xem việc làm bánh là niềm đam mê. Nhưng để nuôi sống niềm đam mê vô cùng tốn kém, Mỹ đã dành dụm, sắm sửa dụng cụ: lò nướng, máy đánh trứng, âu, phới, spatula, bột và một số nguyên liệu khác. “Mình đã lần mò “tầm sư học đạo” nhiều “sư phụ” trên mạng. Mình học kiểu… pha trộn, người này một chút, người kia một chút rồi tự sáng tạo thêm. Học online có lợi là được tiếp cận nhiều phong cách, nhiều người mà không nhất thiết phải theo từ đầu đến cuối. Rồi mình cũng tự làm được chiếc bánh đầu tiên, đó là chiếc bánh bông lan truyền thống. Rồi đến bánh bông lan Nhật (Japan cotton cheese cake)- loại bánh rất khó làm, phải đến cái thứ 5 mới thành công. Dù chỉ mày mò các công thức làm bánh, xem các video làm bánh qua internet, chứ không vào một khóa học chính thống nào nhưng giờ mình đã làm được không ít loại bánh”.
“Hạnh phúc với mình là khi được vào bếp tự tay nắn nót những món ăn dành cho người mà mình thương yêu nhất. Sau khi những mẻ bánh ra lò, mình sẽ mời người thân hoặc gọi bạn bè đến cùng nhắm nháp. Còn gì tuyệt hơn là nhìn ngắm thành quả của mình được sự tán thưởng hay góp ý chân tình từ những người thân yêu. Chính lúc ấy, chiếc bánh vô tình lại là “sợi tơ” kết nối yêu thương giữa các thành viên trong gia đình và giữa bạn với người thân, bạn bè khi cùng nhau trò chuyện, chia sẻ về công việc, cuộc sống. Đó cũng là cách đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc duy trì, gắn kết và phát triển các mối quan hệ. Để tránh bị lãng phí nguyên liệu, mình sẽ mở bán bánh online cho những người quen để vừa có thêm thu nhập, vừa thỏa đam mê làm bánh của mình”.
THẢO NGUYỄN