Gần 2 năm nay, Hoàng Anh (phóng viên công nghệ) một tờ nhật báo phải “lê la” trên các nhóm, diễn đàn để học thêm kiến thức về công nghệ. “Việt Nam đang trong quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Công nghệ số được ứng dụng trong mọi lĩnh vực, các khái niệm chung, khái niệm riêng khiến phóng viên chúng tôi phải không ngừng tìm tòi. Không chỉ học hỏi, nhiệm vụ của phóng viên là phải chuyển tải được những thông tin ấy đến bạn đọc một cách gần gũi, dễ hiểu và chính xác nhất. Thách thức này không hề nhỏ” - anh Hoàng Anh chia sẻ.
Không riêng gì Hoàng Anh, nhiều phóng viên công nghệ đang gặp khó khăn với hàng loạt khái niệm, vấn đề mới khi thực hiện tin, bài mảng công nghệ. Những tưởng AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn), IoT (Internet vạn vật) đã là khó, giờ đây, phóng viên công nghệ còn phải hiểu về platforms (nền tảng), Digitization - chuyển thông tin sang dạng số, Digitalization - ứng dụng công nghệ thông tin và Digital Transformation - chuyển đổi số, là ba cấp độ số hóa.
Ví dụ, Digitization là số hóa văn bản để lưu trữ và xử lý; Digitalization là ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động của một tổ chức được hiệu quả hơn; Digital Transformation, hay chuyển đổi số, là quá trình chuyển các hoạt động kinh tế và xã hội sang môi trường số…
Bên cạnh đó, còn có cơ chế sandbox - khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia; Mobile money (tiền điện tử)… “Những khái niệm mang tính kỹ thuật cao không chỉ khiến phóng viên mất nhiều thời gian tìm hiểu, mà ngay cả bạn đọc cũng khó hiểu. Cải biến cho lượng kiến thức này thành thông tin báo chí cho ngắn gọn, dễ hiểu thật không đơn giản”- Hoàng Anh nói.
Thời kỳ chuyển đổi số, những vấn đề đặt ra với an toàn thông tin như các cuộc tấn công mạng, tấn công có chủ đích, hacker… phóng viên công nghệ đều phải nắm được. Chưa kể, một khối lượng công việc khổng lồ của các doanh nghiệp công nghệ để thực hiện chuyển đổi số, “make in Vietnam” như: chữ ký số, ứng dụng mới, mạng xã hội thuần Việt… cũng khiến người làm báo phải đọc và suy nghĩ. Công nghệ thay đổi nhanh chóng, sự thích nghi của phóng viên cũng phải đuổi kịp những thay đổi của công nghệ, để không bị lạc hậu. Tuy vậy, công nghệ cũng thúc giục đổi mới cách suy nghĩ, cách tác nghiệp của phóng viên. Người làm báo buộc phải “nhảy số” nhanh hơn, tư duy luôn vận động để công việc từ đời thực được xử lý trên một môi trường ảo và cho ra một kết quả thực vừa nhanh, vừa hiệu quả.
Công nghệ thay đổi nhanh chóng, sự thích nghi của phóng viên cũng phải đuổi kịp những thay đổi của công nghệ để không bị lạc hậu
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người. Chúng ta sống trong thế giới thực từ khi xuất hiện loài người và đây là lần đầu tiên loài người bước vào thế giới ảo. Không chỉ một phần, mà toàn bộ hoạt động kinh tế và xã hội sẽ được chuyển vào thế giới ảo. Sẽ xuất hiện kinh tế số và xã hội số bên cạnh kinh tế thực và xã hội thực”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong công cuộc chuyển đổi số, sẽ có 2 luồng sức mạnh là: sức mạnh xây dựng và sức mạnh của sự hủy diệt. Điều này đồng nghĩa với việc người làm báo nào thích ứng nhanh hơn thì sẽ trở nên hoàn thiện hơn, ngược lại, phóng viên làm việc theo lối cũ sẽ bị đào thải.
Nhà báo Thanh Hoàn
Phóng viên công nghệ đang là những người làm báo tiên phong trong cuộc cách mạng số mà cả đất nước đang hướng tới và đóng góp một phần không nhỏ để Việt Nam có lực lượng công dân số hùng hậu, hiểu biết hơn, từ đó thực hiện chuyển đổi số thành công.
Theo THANH HOÀN (An Ninh Thủ Đô)