Phú Lộc đi lên từ nông nghiệp

07/07/2020 - 06:40

 - Phú Lộc (TX. Tân Châu, An Giang) từ lâu được biết đến là xã biên giới, vùng sâu, đời sống người dân gặp khó khăn mỗi khi lũ về. Từ đặc điểm đó, bằng việc xác định được thế mạnh của địa phương, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã Phú Lộc, hạ tầng kỹ thuật ở xã ngày một hoàn thiện, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, con em nông dân ai cũng được cắp sách đến trường.

Phú Lộc là xã biên giới, tiếp giáp với xã K’omxano (Vương quốc Campuchia). Đường biên giới tiếp giáp với nước bạn có chiều dài 3,7km. Diện tích tự nhiên của xã là 14,98km2, dân số 3.870 người, với 1059 hộ. Xã Phú Lộc có 242 hộ gia đình chính sách, 74 hộ nghèo (6,48%), 338 hộ cận nghèo (29,60%). Đảng bộ xã có 164 đảng viên, sinh hoạt ở 8 chi bộ (trong đó có 3 chi bộ ấp, 3 chi bộ trường học, 2 chi bộ công an và quân sự).

Từ năm 2000 trở về trước, hàng năm xã luôn phải gánh chịu tác động của những cơn lũ, từ đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của bà con. Thực tế là vậy nhưng với tinh thần đoàn kết nhất trí của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, đến nay Phú Lộc đã vượt qua được những khó khăn, thách thức. Có được kết quả đó, trước hết phải nói đến vai trò lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn.

“Nhiều nhiệm kỳ qua, tập thể Đảng bộ nơi đây luôn xác định, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế, xã đã đưa ra định hướng lấy hiệu quả và chất lượng làm đầu, đưa khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng để nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhiều nông dân trên địa bàn mạnh dạn thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy để cải thiện chất lượng cây trồng, vật nuôi, chính từ đó mà đời sống của nông dân không ngừng được cải thiện” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Trần Văn Cảnh chia sẻ.

Hoạt động chăm lo cho gia đình nghèo luôn được quan tâm

Hiện, toàn xã có tổng diện tích gieo trồng bình quân hàng năm khoảng 3.000ha, trong đó diện tích trồng lúa 2.400ha, hoa màu các loại 600ha. Năng suất lúa bình quân đạt 18,5 tấn/ha/năm. Hệ số sử dụng đất được nâng lên từ 2 lần/năm lên 2,3 lần/năm. Thời gian qua, bằng việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, nên diện tích áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm” chiếm 65%, chương trình “3 giảm, 3 tăng” chiếm 95%.

“Nông dân chúng tôi hiện nay không còn sản xuất “chạy theo” năng suất mà đã biết tính toán để hiệu quả sản xuất cao hơn. Cụ thể, trong gieo trồng lúa, nếu trước đây mỗi công đất, nông dân gieo sạ từ 17-22kg giống thì nay, lượng giống đã bớt lại, còn sạ 10-12kg/công. Chính nhờ việc tiết giảm đó mà hiệu quả trên mỗi vụ trồng luôn đạt yêu cầu. Ngoài giảm lượng giống, nông dân còn giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu nên chất lượng hạt gạo luôn đảm bảo cho xuất khẩu…” - ông Trần Văn Thành (ấp Phú Quý, xã Phú Lộc) chia sẻ.

Ngoài sản xuất lúa thương phẩm, ông Thành còn tổ chức sản xuất lúa giống, nhân từ giống lúa nguyên chủng sang giống lúa xác nhận để đưa ra cộng đồng. Ngoài trồng lúa, số đất nhà ông Thành còn trồng cây ăn trái như: xoài, bưởi và nhiều loại cây trồng khác. Nhờ vậy, thu nhập hàng năm của gia đình đạt gần 150 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập của gia đình, cuộc sống được cải thiện rõ rệt.

Đánh giá kết quả thực hiện 3 khâu đột phá Nghị quyết Đại hội đảng viên Đảng bộ xã lần thứ VI (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra, ông Trần Văn Cảnh chia sẻ, 5 năm qua, Đảng bộ xã đã tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, giới thiệu đưa đi đào tạo cán bộ nằm trong diện quy hoạch. Đảng bộ đã cử 8 đồng chí học trung cấp lý luận chính trị - hành chính và 13 đồng chí học sơ cấp lý luận chính trị. Đến nay, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách xã đều đã đạt chuẩn. Khâu đột phá thứ 2 là phát triển nông nghiệp chất lượng cao và khai thác lợi thế kinh tế biên mậu. Trong khâu đột phá này, một số mô hình liên kết sản xuất như: tổ nhân giống lúa xác nhận mang lại hiệu quả cao đáp ứng được yêu cầu về nguồn giống lúa chất lượng cho nông dân sản xuất. Khâu đột phá thứ 3 là nâng cao chất lượng giảm nghèo, dạy nghề và giải quyết việc làm, đặc biệt là giải quyết việc làm tại chỗ. Nhờ tập trung chỉ đạo, công tác giảm nghèo nhiệm kỳ qua đạt được nhiều kết quả, cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm đến nay chỉ còn 74 hộ nghèo (6,48%) so đầu nhiệm kỳ là 198 hộ 16,09%; công tác dạy nghề, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt tỷ lệ 96,85%.

“Từ việc thực hiện 3 khâu đột phá, 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển ổn định, các chỉ tiêu mà nghị quyết đại hội đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, điều đó giúp Đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ đề ra” - ông Cảnh chia sẻ. Thời gian tới, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế địa phương, vì vậy 5 năm tới, Phú Lộc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách “tam nông” mà Đảng và nhà nước đã đề ra, đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao đời sống người dân.

Với những gì mà Đảng bộ xã Phú Lộc đề ra trong 5 năm tới, hy vọng đời sống người dân trên địa bàn tiếp tục được cải thiện, kinh tế địa phương phát triển, thu hút đầu tư vào địa bàn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

MINH HIỂN