Phú Tân chủ động nhiều giải pháp trước biến đổi khí hậu

19/10/2020 - 06:28

 - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân (An Giang) thiệt hại do tình hình thiên tai khoảng 55,634 tỷ đồng bởi các nguyên nhân: sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch; thiệt hại do mưa, giông, lốc. Để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, mùa màng, nhất là những tháng cuối năm, huyện Phú Tân đã triển khai nhiều giải pháp yêu cầu các ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác phòng, chống, cảnh báo, vận động người dân nâng cao ý thức trước những hiện tượng thời tiết cực đoan.

Cụ thể, 9 tháng của năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 29 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài 1.226m. Đến nay, đã khắc phục hoàn toàn 9 đoạn, giao mốc 16 đoạn, ảnh hưởng đến 118 căn nhà của người dân sống trong khu vực, ước thiệt hại về đất khoảng 400 triệu đồng.

Riêng đoạn sạt lở Bắc rạch Cái Tắc - Phú Hưng (3 đoạn) và bờ Nam ngoài cống Km26 - Phú An đã được UBND tỉnh có chủ trương thống nhất bố trí nguồn dịch vụ công ích của tỉnh để xử lý. Bên cạnh đó, ảnh hưởng do mưa, giông, lốc đã xảy ra 5 vụ, thiệt hại 41 căn nhà (sập hoàn toàn 3 căn, tốc mái và xiêu vẹo 38 căn) và nhiều tài sản khác, như: nhà kho, ngã trụ điện, ước thiệt hại 374 triệu đồng. Ngoài ra, còn thiệt hại sản xuất nông nghiệp ước 54,86 tỷ đồng, tổng diện tích hơn 4.777ha.

Các điểm sạt lở, sụt lún trên địa bàn huyện đã và đang được khắc phục

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Tuyến cho biết, khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPBĐKH-PCTT&TKCN) cấp huyện, xã đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân di dời, sắp xếp bố trí chỗ ở tạm, đảm bảo an ninh trật tự, tiến hành các hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nên công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại đã góp phần rất lớn trong việc ổn định đời sống nhân dân.

Với 5 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở đất bờ sông, đã tiến hành thẩm tra và chi 100 triệu đồng (theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg); 29 hộ thiệt hại do mưa, giông lốc đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí khắc phục với tổng số tiền 265 triệu đồng. Ngoài ra, UBMTTQVN huyện Phú Tân và các ngành, đoàn thể đã hỗ trợ và vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ thêm cho các hộ dân có chỗ ở ổn định cuộc sống.

Ban Chỉ huy ƯPBĐKH-PCTT&TKCN đã chủ động kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời rà soát các phương tiện phục vụ công tác PCTT, góp phần đảm bảo nhân lực, vật lực tham gia ứng phó khi có sự cố thiên tai xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, tham mưu nhiều ban, ngành ban hành nhiều văn bản nhằm chỉ đạo tăng cường công tác PCTT, mưa, giông, lốc sét và phối hợp hệ thống truyền thanh đẩy mạnh công tác tuyên truyền các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn để người dân chủ động phòng tránh kịp thời.

Đối với các điểm sạt lở cần xử lý trên địa bàn, Ban Chỉ huy ƯPBĐKH-PCTT&TKCN cho biết, đã khắc phục xong 9 tuyến đê sạt lở thuộc các xã: Phú Bình, Hiệp Xương, Hòa Lạc, Phú Long. Trong đó, xã Hòa Lạc có 6 tuyến đê trượt mái ta-luy từ 10 - 50m, có nguy cơ phát sinh thêm. 10 tuyến đê thuộc các xã như: Hiệp Xương, Phú Hiệp, Tân Hòa, Bình Thạnh Đông hiện đã được UBND các xã đã phối hợp các ngành liên quan khảo sát và lập phương án, kinh phí khắc phục. Còn lại 8 tuyến đê và đoạn sạt lở bờ sông Tỉnh lộ 954, đã có chủ trương để khắc phục.

Nhận định tình hình cuối năm theo dự báo khí tượng thủy văn, Ban Chỉ huy ƯPBĐKH-PCTT&TKCN huyện đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn về con người và tài sản. Một trong những giải pháp được quan tâm chú trọng nhất đó là công tác tuyên truyền, qua đó giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng để người dân chủ động các biện pháp an toàn, không lơ là, chủ quan. Cùng với đó là tăng cường thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo huyện nhằm phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và người dân, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Huyện Phú Tân chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra các điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch và thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở, chủ động di dời hộ dân vùng có nguy cơ cao rủi ro thiên tai, có phương án sơ tán đảm bảo an toàn đối với các hộ chưa có điều kiện di dời. Ngoài ra, để sản xuất vụ thu đông năm 2020, huyện yêu cầu các ngành có liên quan tập trung bảo vệ sản xuất cho 11.762ha giai đoạn đòng trổ, sẵn sàng các trạm bơm tiêu khi có điều kiện bất lợi kéo dài để đảm bảo tiêu úng kịp thời, tránh thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp.

MỸ HẠNH