Phú Tân đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

27/02/2024 - 07:14

 - Nhằm giúp người dân, cơ sở sản xuất - kinh doanh phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, huyện Phú Tân tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát huy giá trị sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), đưa sản phẩm địa phương vươn xa trên thị trường rộng lớn. Đồng thời, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, tạo động lực phát triển các sản phẩm truyền thống theo hướng chuyên sâu.

Nhiều sản phẩm tiềm năng

Năm 2016, diện tích nuôi cá thát lát cườm ở huyện Phú Tân mở rộng, dẫn đến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Để tìm đầu ra, anh Nguyễn Thanh Tùng (xã Phú Bình) đã nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị để sản xuất các loại sản phẩm từ cá thát lát. Những sản phẩm chính, như: Chả cá rút xương tẩm gia vị, chả cá tẩm gia vị, cá thát lát muối sả, lạp xưởng cá thát lát đã có được chỗ đứng trên thị trường.

Việc công nhận sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường

Các sản phẩm làm ra được kiểm nghiệm chất lượng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, làm hồ sơ tự công bố sản phẩm. Để thuận tiện cho việc kinh doanh, anh Tùng đã thành lập Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản Thanh Tùng (trụ sở tại tổ 10, ấp Bình Thành, xã Phú Bình).

Các sản phẩm từ cá thát lát Thanh Tùng đã có mặt ở siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc); đại lý phân phối tại phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), siêu thị Co.opmart... Trong đó, chả cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị và lạp xưởng thát lát đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Phú Tân.

Tại xã Phú Lâm, với mong muốn tái hiện hình ảnh của tuổi thơ, đồng thời tiếp tục viết lên một phần ký ức tuổi thơ cho những em nhỏ thế hệ mai sau, anh Đỗ Việt Quốc đã lựa chọn phát triển kinh tế gia đình từ việc sản xuất kem. Qua quan sát, nhận thấy nhiều người ưa thích hương vị sầu riêng nên anh Quốc đã nghiên cứu, thử nghiệm, cho ra thị trường sản phẩm kem mang hương vị loại trái cây này. Sau nhiều lần thử nghiệm, anh Quốc đã thành công và cho ra thị trường sản phẩm kem sầu riêng mang thương hiệu Gia Định. Sản phẩm đã nhận được sự phản hồi, đánh giá tích cực của người tiêu dùng.

Hiện nay, ngoài kem sầu riêng, cơ sở của anh Quốc sản xuất nhiều loại kem mang hương vị khác nhau, như: Dâu tây, khoai môn, đậu xanh, cam, sữa… Trong đó, kem sầu riêng là loại được khách hàng ưa chuộng, bán “chạy” nhất và được xét tiêu chuẩn để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Phú Tân. Mặt khác, hộ kinh doanh Gia Định còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hỗ trợ phát triển

Theo UBND huyện Phú Tân, toàn huyện có 7 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao, gồm: Chả cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị, lạp xưởng thát lát, rượu dâu tằm, nước cốt dâu tằm, siro Atiso, kem Gia Định. Trong đó, có 3 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá lại, gồm: Chả cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị (Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản Thanh Tùng) và rượu dâu tằm (Hộ kinh doanh Ngọc Thái).

Nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, UBND huyện Phú Tân đã triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2023 - 2025. Mục tiêu nhằm tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Đồng thời, nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Những sản phẩm OCOP của huyện Phú Tân

Huyện Phú Tân phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 15 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm OCOP 4 sao. Bên cạnh đó, củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; phấn đấu có 100% sản phẩm đạt OCOP đến hạn (36 tháng) được đánh giá lại.

Kế hoạch còn hướng đến mục tiêu hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống gắn với bảo tồn, phát huy thế mạnh giá trị văn hóa, truyền thống trong các sản phẩm trên địa bàn huyện. Đồng thời, phát triển làng nghề theo hướng đa dạng về quy mô, hình thức, phát huy thế mạnh về số lượng làng nghề nhằm thu hút lao động, giải quyết việc làm.

Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống dân cư, tiến tới xây dựng và phát triển làng nghề bền vững. Mặt khác, hỗ trợ các làng nghề đủ điều kiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP đối với sản phẩm nếp gắn với xây dựng thương hiệu, sản phẩm cây ăn trái và sản phẩm chay.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND huyện Phú Tân yêu cầu phòng, ban và các địa phương xây dựng hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình đối với sự phát triển của các chủ thể và địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP.

ĐỨC TOÀN