Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Lê Nguyên Châu thông tin, 6 tháng đầu năm 2022, cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện tích cực vào cuộc trong bối cảnh chung triển khai các giải pháp bình thường mới và thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Những khó khăn về diễn biến dịch bệnh, thời tiết vẫn ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Vượt lên mọi trở ngại, huyện đã thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Trong đó, giá trị sản xuất trên các khu vực tăng so cùng kỳ, nhiều công trình, dự án được triển khai, các mục tiêu an sinh xã hội tiếp tục đạt kết quả khả quan, trật tự an toàn xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo...
Trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của huyện, đáng mừng là giá trị sản xuất các khu vực tăng và đạt hơn 51% so kế hoạch của năm, đặc biệt ở khu vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện tăng cường ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa công ty, doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân. Sau vụ thu đông 2021 với diện tích ký kết hơn 3.610ha, đến vụ hè thu 2022, huyện tiếp tục triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Tập đoàn Lộc Trời diện tích hơn 3.870ha (liên kết truyền thống hơn 3.700ha và liên kết truyền thống nâng cao trên 159ha).
Phục hồi các hoạt động sản xuất, đầu tư trên địa bàn huyện
Địa phương còn tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với diện tích chuyển sang trồng cây ăn trái đạt trên 676ha, tăng 56,29ha so cùng kỳ. Trong đó, diện tích áp dụng tưới tiết kiệm nước trên 245ha (tưới phun và nhỏ giọt). Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao duy trì ổn định và được các nguồn đầu tư hỗ trợ để tiếp tục nhân rộng các mô hình.
Từ đầu năm đến nay, UBND huyện Phú Tân đẩy mạnh hoạt động kêu gọi đầu tư, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, thủ tục hành chính cho các cơ sở, doanh nghiệp để khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn đã phát triển mới 17 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra, có 5 nhà đầu tư đang lập thủ tục đầu tư ngoài cụm công nghiệp, 2 nhà đầu tư tiếp cận đầu tư lĩnh vực điện sinh khối, dân cư. Trong khi đó, hoạt động thương mại - dịch vụ dù chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi từ dịch COVID-19, nhưng đến nay đã phát triển mới 151 cơ sở, vốn đầu tư gần 50 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 466 lao động…
Đi đôi với phục hồi kinh tế, huyện còn quan tâm ổn định xã hội, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại học trực tiếp. Các hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm được khôi phục và đẩy mạnh để sớm ổn định cuộc sống, thu nhập của nhân dân. Những giải pháp góp phần đảm bảo an sinh xã hội theo chủ trương của tỉnh, huy động các nguồn lực trên địa bàn tiếp tục được triển khai thực hiện.
Theo Bí thư Huyện ủy Phú Tân Huỳnh Thành Danh, Phú Tân có được diện mạo như hôm nay là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là quan tâm thực hiện nhiệm vụ song song: Chống dịch và phục hồi, phát triển KTXH. Thời gian tới, huyện mong rằng lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ để phát triển về giao thông, đầu tư hoàn chỉnh các dự án trọng điểm, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất giúp nâng cao đời sống người dân.
Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của UBND tỉnh với huyện Phú Tân mới đây, hầu hết các kiến nghị của huyện đối với tỉnh để được hỗ trợ về đầu tư, kinh phí đều được các sở, ngành ủng hộ. Trong đó, lĩnh vực đầu tư có nhiều công trình, dự án trọng điểm, như: Tuyến dân cư Phú An, nâng cấp mở rộng đường Kênh Thần Nông thành Tỉnh lộ 954, đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Phú Tân, dự án cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Tân Trung (giai đoạn 2), tuyến tránh sạt lở Tỉnh lộ 954…
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH trong 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình biểu dương nỗ lực của huyện Phú Tân. Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Tân đã bắt nhịp trạng thái bình thường mới. Dù vượt qua khó khăn, thách thức nhưng nhiệm vụ còn lại đến cuối năm nặng nề không kém. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý huyện cần tiếp tục quan tâm các vấn đề: Tình hình dịch bệnh, tập trung toàn lực xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn…
“Dựa vào điều kiện sẵn có, huyện cần phục hồi các làng nghề truyền thống để đa dạng hóa các loại sản phẩm. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đặc thù và tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư từ đặc sản nếp Phú Tân. Mặt khác, để giải quyết đầu ra của nông sản, không nên quá lệ thuộc vào một thị trường mà cần tìm kiếm rộng mở. Cần quan tâm đến các dự án trọng điểm trên địa bàn để tham gia vào chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh… Huyện phải chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp đến đầu tư chứ không chờ doanh nghiệp đến gõ cửa. Là một huyện thuần nông, để phát triển kinh tế, đòi hỏi huyện Phú Tân phải thực hiện các giải pháp tích cực, chủ động, tranh thủ sự hỗ trợ và phối hợp với các sở, ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
MỸ HẠNH