Quân và dân An Giang chung tay bảo vệ bờ cõi

22/11/2022 - 06:51

 - An Giang có vị trí địa lý quan trọng trong khu vực phòng thủ Quân khu 9. Trong suốt chiều dài lịch sử, quân và dân An Giang phải đương đầu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi và nền độc lập cho quê hương.

Ngày 22/6/1887, thực dân Pháp chiếm thành Châu Đốc, mở đầu quá trình cai trị tại vùng đất An Giang. Nhân dân liên tiếp đứng lên cầm vũ khí đấu  tranh, giành lại quê hương ngay từ những ngày đầu mất đất. Điển hình như cuộc khởi nghĩa của Quản cơ Trần Văn Thành), lãnh binh Lê Văn Sanh, Đỗ Đăng Tàu đứng về phía nhân dân chống Pháp; khởi nghĩa của Ngô Lợi và đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa…

Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, chi bộ cộng sản đầu tiên của Long Xuyên - Châu Đốc được thành lập ở xã Long Điền (huyện Chợ Mới), lãnh đạo nhân dân An Giang đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng 1930-1945. Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Long Xuyên - Châu Đốc thành công; chính quyền từ tỉnh đến xã về tay nhân dân.

Chiều 26/8/1945, tất cả “thanh niên tiền phong” tham gia khởi nghĩa tập hợp tại Thành lính tập - Thành PC (nay là cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh). Sau khi lựa chọn 200 người, chúng ta biên chế thành 5 trung đội, gọi là Cộng hòa vệ binh, do đồng chí Hùng Cẩm Hòa làm tổng chỉ huy. Đây là lực lượng vũ trang (LLVT) đầu tiên của tỉnh.

Trải qua 9 năm chiến đấu vô cùng gian khổ và anh dũng, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève và rút toàn bộ quân về nước. Đế quốc Mỹ tận dụng cơ hội, nhanh chóng nhảy vào miền Nam thế chân Pháp, đặt ách thống trị theo kiểu thực dân mới, hòng chia cắt lâu dài đất nước. Quân và dân An Giang một lần nữa phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, đồng lòng quyết tâm kháng chiến, giành lại nền độc lập, thống nhất đất nước.

Sau phong trào Đồng Khởi (1960), LLVT tỉnh được củng cố phát triển, căn cứ địa được mở rộng gắn liền với nhiều vùng giải phóng rộng lớn, hệ thống căn cứ “lõm” được xây dựng đều khắp, liên hoàn từ vùng núi biên giới đến các vùng đồng bằng nông thôn. Các vùng “giải phóng”, “tranh chấp” đan xen nhau tạo thế cho hình thái “chiến tranh nhân dân” hình thành và phát triển trên phạm vi toàn tỉnh. LLVT và nhân dân An Giang tổ chức nhiều trận đánh tiêu hao, tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế đan cài với địch.

Thành tích tiêu biểu đặc biệt xuất sắc trong giai đoạn này là trận quyết chiến 128 ngày đêm (từ ngày 7/11/1968 đến 23/2/1969) tại đồi Tức Dụp, núi Cô Tô (huyện Tri Tôn), LLVT và nhân dân An Giang đã lập nên một kỳ tích. Đương đầu với lực lượng quân địch đông gấp 400 lần, chịu hàng ngàn tấn bom pháo ròng rã suốt hơn 3 tháng liền, cuối cùng ta vẫn tiêu hao hơn 2.000 sinh lực địch, hàng triệu đô-la chiến phí. Tức Dụp đã trở thành biểu tượng lịch sử đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân An Giang với 8 chữ vàng “Kiên cường, bám trụ, giữ vững Núi Tô”.

Trước sức mạnh tấn công của các cánh quân trên khắp các địa bàn trong tỉnh, được sự hỗ trợ của trên và của tỉnh bạn, lực lượng ta tiến lên bao vây tập đoàn bảo an “tử thủ” cuối cùng của địch, buộc chúng phải đầu hàng. Tỉnh An Giang hoàn toàn được giải phóng, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng miền Nam và của cả nước. Non sông thu về một mối. Từ đây, quân và dân An Giang bước vào giai đoạn cách mạng mới, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Chưa kịp tận hưởng hòa bình, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam lại xảy ra. Đêm ngày 30/4/1977, Pôn Pốt huy động hàng vạn quân có xe tăng, trọng pháo yểm trợ, tấn công ta trên toàn tuyến biên giới An Giang. Quân và dân tỉnh nhà đồng loạt  nổ súng đánh trả, ngăn chặn và kìm chân địch. Được sự chi viện của cấp trên và sự hỗ trợ của các tỉnh bạn, LLVT An Giang nhanh chóng trưởng thành.

Với tinh thần vượt qua mọi gian khổ hy sinh, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, những trận đánh trên vàm Chắc Ri - Chắc Rè (Vĩnh Nguơn - Châu Đốc), trận đánh bên sông Bình Di (An Phú); Long Tiên, Mương Lở, Kả Côi - Kả Hàn… cùng các chốt thép: Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên); Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú); Mương Tám Sớm - xã Phước Hưng; các chốt cầu số 7, 8 xã Phú Hội (huyện An Phú) trở thành chiến công tiêu biểu của LLVT An Giang trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.

Với vị trí chiến lược quan trọng, vùng đất An Giang ngay từ khi mới thành lập đã phải đương đầu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Trong từng thời kỳ lịch sử, quân và dân An Giang luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, đồng lòng khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, cùng nhau chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền độc lập, tự do, bảo vệ từng mảnh đất quê hương và cuộc sống thanh bình, thịnh vượng của nhân dân.

“Tiếp nối truyền thống chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước của cha ông, ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, quân và dân An Giang tiếp tục công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, chủ động đấu tranh có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. LLVT quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, giữ vững mối quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, tạo điều kiện giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp” - đại tá Chau Chắc (đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) bày tỏ.

GIA KHÁNH