Thoải mái từ ăn uống
Là tỉnh có 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer và theo nhiều tôn giáo khác nhau nhưng người dân quê tôi đều có chung bản tính rất thích làm việc thiện. Vượt lên cả ý nghĩa làm phước để tích đức theo quan niệm ông bà xưa, những việc làm từ nhỏ nhặt nhất đến đóng góp xây dựng làng xóm của bà con gần như trở thành tính cách sinh ra từ trong máu thịt. Không đợi phải khá giả mới “cho đi”, hễ có khả năng đến đâu người dân sẵn lòng san sẻ đến đó. Người già đến trẻ nhỏ, nhà khấm khá đến người nghèo khó đều có những cách đóng góp riêng. Ai đến An Giang mà chưa nghe qua chữ “miễn phí” gắn liền với rất nhiều “dịch vụ” nước uống, cơm, bánh xèo, tủ bánh mì, giữ xe, chở bệnh nhân, “cửa hàng 0 đồng”, quầy áo quần… thì quả là một thiếu sót. Bất kể thành thị hay nông thôn, nơi đông dân cư hay những đoạn đường vắng, gia chủ luôn bố trí thùng nước kèm bảng nhỏ “nước uống miễn phí” cho khách vãng lai nhận biết. Từ việc làm của mỗi nhà, những hộ có điều kiện hơn bố trí đến hàng chục thùng nước đá trong các bến xe, trung tâm chợ, để giúp người lao động nghèo đỡ phần cơ cực trong những ngày mưu sinh.
Rủ nhau đi làm các món ăn ngon đãi khách thập phương trong các mùa lễ đạo
Bên cạnh nước uống, cơm ăn cũng được miễn phí ở nhiều nơi: bệnh viện, khu dân cư, trường học, chợ, vùng sâu, vùng xa để tiếp sức cho học sinh, người nghèo, lao động làm thuê. “Nhà cơm từ thiện”, “Nhà cơm tình thương” được nhân rộng ở các huyện, thị xã, thành phố bởi những tấm lòng hảo tâm hợp sức thực hiện đã làm ấm lòng hàng ngàn người nghèo. Ngoài cơm, cháo miễn phí, dọc các tuyến đường ở thành thị còn có “tủ bánh mì 0 đồng”, điểm phát bữa sáng miễn phí cho người khó khăn. Chị Trần Kim Hương (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Thấy những tủ bánh mì, quần áo miễn phí khắp nơi, tưởng chỉ có ở thành phố, giờ quê mình cũng có, thật ấm lòng”. Một trong những “bữa tiệc miễn phí” lớn nhất phải kể đến là 2 đợt đại lễ của Phật giáo Hòa Hảo tại huyện Phú Tân. Không cần vận động, nông dân từ các xã lân cận An Hòa tự đều chở các loại rau, củ đến đóng góp. Những ngày này, bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tạm gác chuyện làm ăn để đến các điểm lễ phụ việc. Người già, phụ nữ ra công chế biến, thanh niên lo củi bếp và vận chuyển, trẻ em phục vụ bưng món ăn và dọn dẹp. Hành hương về xứ đạo, mọi người không phải lo chuyện ăn uống vì đã có sẵn nước uống đóng chai, trà đá đặt trước nhà dân. 5 ngày từ khi chuẩn bị đến kết thúc lễ, các nhà ăn phục vụ miễn phí cơm, cháo, bún, bánh bao, xôi, nước sâm và còn có phần để khách đem về. Ngoài ra, các ngày lễ như: giỗ cụ Đoàn Minh Huyên - Phật thầy Tây An (Tịnh Biên), hội đền Nguyễn Trung Trực (Chợ Mới), lễ cúng Đức Cố Quản Trần Văn Thành (Châu Phú), lễ Vu Lan, lễ Phật Đản hay đến các điểm chùa hành hương… với tinh thần hướng thiện, bà con quê tôi hào sảng thết đãi khách thập phương theo cách trên để gieo “duyên”.
Chia sẻ vì cộng đồng
Không chỉ có “miếng ăn”, đến “cái mặc” cũng được người dân san sẻ rất nhiều. Thay vì bỏ đi những bộ đồ cũ, những vật dụng trong gia đình không còn cần thiết, người thừa đem đến cho người thiếu. Số lượng cho và nhận ngày càng nhiều, từ hoạt động của một số nhóm từ thiện, nhiều địa phương đã lập ra hẳn “Cửa hàng 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng” kết nối những tấm lòng đến gần nhau hơn. Tại huyện miền núi Tri Tôn, nay đã có 4 “Cửa hàng 0 đồng” bố trí tại các xã vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, định kỳ 2 ngày cuối tuần, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo huyện còn tổ chức các chuyến xe lưu động đến tận phum, sóc trao quần áo, vật dụng và các phần quà giúp đỡ đồng bào Khmer hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, mô hình tương trợ dưới nhiều tên gọi khác nhau đã thực hiện ở hầu hết địa phương từ biên giới đến vùng cù lao do cá nhân hoặc các tổ chức đoàn thể lập ra. Ngoài quần áo, người nghèo có thể nhận nhiều vật dụng giá trị như: tivi, xe đạp, xe điện, quạt, gạo. Đây là nơi được nhiều cán bộ về hưu, các bạn trẻ chọn đến nhân lúc rảnh để phụ việc sắp xếp, giặt giũ, phân phát quà.
“Nhà ăn tình thương” phục vụ cơm nước miễn phí cho học sinh và người lao động
Đi đầu trong việc “miễn phí” ở quê tôi là xe chuyển bệnh nhân. Tinh thần làm hết tất cả các điều lành, An Giang được xem là tỉnh khởi xướng mua xe chuyển bệnh nhân từ thiện, đến nay cũng là tỉnh có xe chuyển bệnh từ thiện nhiều nhất cả nước với gần 168 chiếc ở các xã, phường. Không phân biệt giàu nghèo, miễn là bị bệnh nặng thì được xe chạy đến tận nhà đưa đi bệnh viện 24/24 giờ, mà không lấy một đồng tiền công nào. Hơn chục năm qua, những chuyến xe tình nghĩa đã giúp hàng trăm lượt bệnh nhân qua cơn nguy kịch nhờ được cấp cứu kịp thời. Chuyện hùn tiền sắm xe cứu thương làm từ thiện xuất phát từ lão nông Phan Thanh Châu (xã Bình Phú, Châu Phú), sau đó lan tỏa đến các địa phương, trở thành phong trào đầy tình nhân ái. Làm công không ăn lương, các tài xế trong tổ xe từ thiện nhiều khi còn móc tiền túi khi gặp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đó là chưa kể một số trường hợp, nhóm theo xe còn xuất tiền túi hỗ trợ thêm cho bệnh nhân nghèo. Hướng về người nghèo, người yếu thế, người dân còn khởi xướng các phong trào hiến đất, cho mượn đất trồng thuốc nam phục vụ việc chữa bệnh miễn phí bằng đông y. Ở vùng nông thôn, nhiều gia đình dành một phần đất sản xuất để trồng cây lấy nguyên liệu cất nhà cho hộ nghèo, lập trại cưa đóng hàng, làm nơi bào chế nguyên liệu thuốc nam cấp phát miễn phí. Thậm chí đến lúc qua đời, nếu gia cảnh quá khó khăn, bà con giúp lo tang sự chu toàn và một nơi yên nghỉ tử tế trong nghĩa trang Nhân dân.
Từng việc làm nhỏ đến phong trào lớn được mọi người hưởng ứng đều xuất phát từ cái tâm giản đơn là làm điều thiện. Cũng là người miền Tây chân chất, hào sảng, mà “tình đất, tình người” ở quê tôi tạo nên một nét văn hóa rất riêng không lẫn vào đâu được. Đó là “đặc sản” về tính cách khiến người con nào sinh ra ở An Giang cũng lấy làm tự hào.
MỸ HẠNH