Quy hoạch đô thị vùng theo hướng bền vững

26/09/2023 - 06:02

 - Dự báo vào cuối thế kỷ XXI, khi mực nước biển dâng lên từ 0,5 - 1m, khoảng 1/3 vùng ĐBSCL sẽ bị ngập lụt, là vùng bị mất đất lớn nhất thế giới. Nếu không có giải pháp ứng phó đồng bộ thì 35% dân số vùng ĐBSCL, với 39% diện tích chịu ảnh hưởng. Do vậy, nâng tỷ lệ đô thị hóa và quy hoạch đô thị đồng bộ là giải pháp cấp bách để ổn định đời sống người dân miền Tây về lâu dài.

Phát huy vai trò điều phối vùng

Tại Nghị quyết 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ yêu cầu việc lập, ban hành quy hoạch tỉnh của các địa phương trong vùng phù hợp với Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững, tạo cơ sở để chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển tập trung thông qua phát triển các chuỗi sản xuất, cụm ngành, hành lang kinh tế và chuỗi đô thị.

Chính phủ yêu cầu phát huy vị trí, vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, thực hiện có hiệu quả Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Toàn vùng đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và nâng cao chất lượng đô thị; phát triển chuỗi đô thị động lực của vùng bảo đảm hiện đại, thông minh và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH); phát triển các khu kinh tế gắn với các đô thị trọng điểm và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở khu vực đô thị động lực.

Theo quy hoạch, vùng ĐBSCL sẽ từng bước hình thành các đô thị nông - công nghiệp gắn với các trung tâm đầu mối và DL nông nghiệp - nông thôn.

Vượt qua thách thức

Theo các chuyên gia, ĐBSCL đã có bước tiến dài trong quy hoạch và phát triển đô thị. Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển đô thị bền vững đang phải đối mặt với tình trạng BĐKH và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, vùng ĐBSCL hiện có 211 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 32%, thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (40,5%). Dự báo giai đoạn 2021 - 2025, vùng ĐBSCL có trên 250 đô thị (4 đô thị loại I; 2 đô thị loại II; 11 đô thị loại III; 42 đô thị loại IV và 78 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 35 - 36%, năm 2030 đạt khoảng 42 - 48%, vẫn thấp hơn cả nước (dự kiến đạt 45% năm 2025, hơn 50% vào năm 2030).

Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Thị Lan Anh cho biết, toàn bộ 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đều có nguy cơ ngập cao bởi BĐKH, như: Kiên Giang (80%), Hậu Giang (80%), Bạc Liêu (40 - 50%), Cà Mau (40 - 50%), Sóc Trăng (25 - 30%). Ở một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao, tỷ lệ lên đến 85 - 90%, như: TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang); TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang); tỷ lệ 60 - 70% có TP. Cà Mau, 20 - 25% có TX. Gò Công (tỉnh Tiền Giang), 10 - 20% có TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), 5 - 10% có TP. Cần Thơ…

Theo Ban Kinh tế Trung ương, sự phân cấp giữa địa phương và Trung ương còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; cơ chế điều phối phát triển vùng ĐBSCL chưa phát huy tác dụng. Do vậy, cần triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, định hướng cho ĐBSCL là phát triển đô thị xanh, thông minh, thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai và dịch bệnh.

Triển khai tốt quy hoạch

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 287/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 42 - 48%; định hướng phát triển hệ thống đô thị ĐBSCL theo hướng phân bố hợp lý tại các vùng đô thị, dọc theo hành lang phát triển chính của vùng; mô hình đô thị sinh thái, nén, thích ứng BĐKH.

Cụ thể, TP. Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch (DL), công nghiệp chế biến của toàn vùng; cung ứng dịch vụ y tế, giáo dục có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Trong khi đó, TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) là một trong những trung tâm dịch vụ thương mại, logistic, DL tại khu vực phía Bắc sông Tiền; đô thị cửa ngõ giữa vùng TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về cây ăn trái và trung tâm dịch vụ DL miệt vườn.

TP. Tân An (tỉnh Long An) là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ phía Đông Bắc của vùng ĐBSCL, đô thị cửa ngõ giữa vùng TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL. Với TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), là một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ phía Tây Bắc của vùng ĐBSCL; là trung tâm chuyển giao công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao, nhất là lúa gạo và thủy sản nước ngọt.

Với TP. Rạch Giá, là trung tâm kinh tế biển, thương mại - dịch vụ tại khu vực ven biển phía Tây của vùng ĐBSCL; là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy, hải sản; trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản. TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) được tập trung xây dựng thành trung tâm dịch vụ, DL sinh thái chất lượng cao, DL biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Trong khi đó, TP. Cà Mau có vai trò là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực bán đảo Cà Mau; là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ DL sinh thái, trung tâm chế biến thủy sản của vùng. TP. Sóc Trăng là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven Biển Đông, là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản; trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản, công nghiệp năng lượng sạch; trung tâm DL văn hóa lịch sử.

Do đó, quy hoạch từng tỉnh, thành phố và toàn vùng ĐBSCL cần tuân thủ quy hoạch chung này, hướng đến phát triển đô thị đồng bộ và bền vững.

Các chuyên gia cho rằng, trong triển khai quy hoạch đô thị vùng ĐBSCL, phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn vùng và từng địa phương. Mọi dự án, công trình phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trên cả 3 mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường, được phản biện khách quan, khoa học.

NGÔ CHUẨN