Quyết liệt đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại

12/08/2022 - 07:51

 - Những tháng đầu năm 2022, nước ta trở lại trạng thái bình thường sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến hoạt động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang báo cáo công tác phòng, chống buôn lậu của tỉnh

Thủ đoạn tinh vi, quy mô lớn

Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra dưới các hình thức mang vác, vận chuyển nhỏ lẻ, qua đường mòn, lối mở, giao dịch, trao đổi hàng hóa ở khu vực biên giới có chiều hướng giảm mạnh.

Các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển sang lợi dụng pháp nhân và sự thông thoáng từ khâu thành lập, quản lý doanh nghiệp, ký kết hợp đồng thương mại, khai báo hải quan, thông quan và hậu kiểm để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với quy mô lớn hơn, phương thức và thủ đoạn tinh vi hơn. các hành vi phổ biến, như: Không khai báo hải quan, khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, giá trị, nguồn gốc xuất xứ; phá niêm phong tẩu tán hàng trên đường vận chuyển, thẩm lậu sau khi đã tạm nhập, tái xuất, quá cảnh; chia hàng nhỏ lẻ, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn… để vi phạm.

Ngoài ra, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các nền tảng mạng xã hội ngày càng gia tăng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, với các vi phạm của nhiều nhóm mặt hàng thiết yếu. Cùng với đó là các hình thức khác như lừa đảo, trốn thuế trên không gian mạng ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm (giảm 25,05% so cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,72%); 47.781 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 4,72%); hơn 1.000 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 90,61%). Thu nộp ngân sách nhà nước 3.728 tỷ đồng. Nhiều vụ việc, vụ án, đối tượng cầm đầu, đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa.

Tăng cường phối hợp đấu tranh

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết: Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã đề nghị đưa 6 vụ vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; các lực lượng chức năng của tỉnh đã khởi tố hàng chục vụ với hàng trăm đối tượng cùng nhiều tội danh khác nhau chứ không chỉ riêng một tội như buôn lậu, vì đi kèm với hoạt động đó có rất nhiều hành vi cần xử lý nghiêm minh.

Đến nay, các cơ quan thẩm quyền đã thu hơn 146 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước. Thực hiện công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và bắt giữ 883 vụ (giảm 25,8% so cùng kỳ năm 2021) về hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Lực lượng chức năng đã khởi tố 14 vụ, 18 đối tượng.

Theo đại tá Đinh Văn Nơi, do An Giang có đường biên giới dài, giáp với Campuchia, bên cạnh thuận lợi thì đây cũng là điều kiện làm gia tăng khả năng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả với nhiều phương thức, thủ đoạn phức tạp, tinh vi. Do đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì các tổ công tác phòng, chống buôn lậu trên tuyến biên giới. Các lực lượng tăng cường phối hợp trong đấu tranh ngăn chặn hiệu quả tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Vận động nhân dân khu vực biên giới không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, chung tay với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế… Tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẵn có phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia Phạm Bình Minh yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần nhận diện được các vấn đề nổi cộm hiện nay, đặc biệt là phương thức, thủ đoạn mới trong buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để có phương án đấu tranh. Vận động người dân tham gia tố cáo tội phạm. Công khai số điện thoại, email của Ban Chỉ đạo 389 các lực lượng và địa phương để người dân có địa chỉ tố cáo. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, vì hiện nay tội phạm buôn lậu, nhất là ma túy đều sử dụng công nghệ rất hiện đại. Truy cứu, điều tra các thông tin để tìm ra nguồn gốc của hàng hóa buôn lậu, nhất là các mặt hàng nổi cộm, như: Thuốc lá, xăng dầu…

“Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2022 còn rất nhiều, trong đó có lĩnh vực thương mại, xuất, nhập khẩu. Vì vậy, vấn đề chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa để xử lý, ngăn chặn các vụ việc”- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh lưu ý.

THU THẢO