Tác dụng của rau má
Nhiều nghiên cứu cho thấy, rau má có thể giúp giảm sưng và cải thiện lưu lượng máu. Rau má chứa các hợp chất như saponin triterpenoid mà theo các nhà nghiên cứu chúng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Rau má giúp tăng cường trí nhớ và chức năng nhận thức tổng thể, nghĩa là có tiềm năng trong điều trị bệnh Alzheimer. Nghiên cứu năm 2016 cho thấy rau má cải thiện trí nhớ khá hiệu quả.
Theo một vài thử nghiệm, những người dùng thực phẩm bổ sung rau má trong 8 tuần giúp giảm viêm và đau tĩnh mạch. Rau má có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị chứng suy giãn tĩnh mạch.
Ai không nên ăn rau má
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, rau má rất lành tính nhưng không phù hợp với tất cả mọi người.
Theo đó, những người được khuyến cáo không nên dùng rau má là: bà bầu, phụ nữ đang cho con bú hoặc đang mong muốn có thai, người mắc bệnh gan, người mắc bệnh tiểu đường, người đang dùng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm.
Tuy rau má rất lành tính nhưng không nên lạm dụng loại rau này. Mỗi ngày chỉ nên sử dụng từ 30 đến 40g rau má. Đặc biệt, không nên dùng trong thời gian dài. Nếu như không có chỉ định của bác sĩ thì không nên dùng rau má trong khoảng 6 tuần liên tiếp.
Mỗi người có tình trạng bệnh lý khác nhau, độ tuổi khác nhau sẽ phù hợp với liều dùng khác nhau. Do đó trước khi dùng rau má, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bạn không nên uống rau má để thay thế nước lọc. Bạn cũng không nên uống rau má khi dùng thuốc tây.