Rèn chữ, rèn tâm với môn thư pháp

09/10/2022 - 09:19

 - Đúng hẹn vào 2 ngày cuối tuần, các học viên không phân biệt độ tuổi tập hợp ở lớp viết chữ thư pháp tại Nhà Văn hóa Lao động An Giang. Vì những lợi ích như: Giúp người viết rèn sự kiên trì, cẩn trọng, tỉ mỉ, chiêm nghiệm những triết lý của cuộc sống…, mà nhiều người đã tìm đến bộ môn này.

Bộ môn thư pháp có từ lâu đời, ảnh hưởng bởi thư pháp của văn hóa Trung Hoa từ ngàn năm trước. Ông cha với lòng yêu nước, tự hào dân tộc đã sáng tạo ra chữ Hán Nôm. Thời gian sau, nước ta sử dụng bộ chữ cái Latin để viết tiếng Việt.

Chữ quốc ngữ ra đời, nghệ thuật thư pháp cũng theo đó biến chuyển. Từ khoảng 1950-1960, xuất hiện nhóm dùng bút lông để viết chữ thư pháp tiếng Việt. Một trong những người được giới thư pháp chấp nhận là “ông tổ” chính là thi sĩ Đông Hồ (tên thật Lâm Tấn Phác). Lặng đi một thời gian, đến năm 2000, phong trào viết chữ thư pháp mới mạnh mẽ đến nay.

Anh Hồng Phú (bên trái) - giáo viên dạy chữ thư pháp ở lớp học, đồng thời là “ông đồ” quen thuộc ở An Giang.

Lớp học của anh đầy đủ thành phần, từ cán bộ hưu trí, những người đi làm cho đến học sinh.

Theo anh Phú, thư pháp là môn phù hợp nhiều đối tượng học, nhưng khó mang tính đại trà. “Qua nhiều khóa đào tạo, tôi thấy độ tuổi thích hợp cho trẻ em tối thiểu là 10 tuổi. Bởi độ tuổi này đủ lực của cánh tay điều khiển cây cọ, các em cũng bắt đầu hình thành nội tâm, có ý thức tìm hiểu văn hóa dân tộc…”.

Kể cả với người lớn, môn học này cũng có rất nhiều đòi hỏi. Theo học đã 6 tuần, cô Hà Thị Thi Hà, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Long Xuyên) chỉ mới viết được một số chữ cái. “Trong một lần thầy Phú đến trường viết chữ cho học sinh, tôi thấy chữ thư pháp đẹp quá, nên rất yêu thích. Môn này giúp tôi thư giãn sau giờ dạy học, rèn thêm tính kiên nhẫn, tịnh tâm. Học càng lâu lại nhận ra đòi hỏi thêm những kỹ năng khác, như khiếu của mỗi người, tính quan sát, mềm mại của cánh tay… Nói chung ai thiếu sự nhẫn nại, nóng tính sẽ khó theo được”.

Chú Nhân là một trong số học viên lớn tuổi, và cũng là người được thầy đánh giá có chữ viết đẹp, tiến bộ sau nhiều tháng kiên trì luyện tập. “Tôi chơi đủ môn giải trí ở tuổi già, từ đàn, ca hát… cho đến môn thư pháp này. Luyện chữ rất khó, nhưng lại là một cách thư giãn rất hay”.

Với những người trẻ, ngoài rèn được tính kiên nhẫn, thư pháp còn giúp họ chú tâm, ít xao nhãng… từ đó hình thành thói quen tích cực cả trong học tập, làm việc. Họ đến với thư pháp đơn giản vì yêu những nét chữ đẹp. Qua chuỗi ngày miệt mài với những nét vẽ, cho đến viết nên từng chữ thành công là động lực để lần sau càng thêm cố gắng.

Mỗi người chọn học thư pháp bởi lý do khác nhau, tựu chung ở mục đích tìm thú vui thư giãn tao nhã, thoải mái, trầm lắng sau thời gian bộn bề với công việc, học tập…

MỸ HẠNH