Chộn rộn khắp xóm
Cơn mưa tầm tã vẫn không làm chùn bước nhiều thanh niên đang miệt mài sàng ốc cân cho thương lái. Từ xã Vĩnh Hanh đến Vĩnh An (huyện Châu Thành) có khoảng 6 vựa thu mua hàng trăm tấn ốc đủ loại.
Có mặt tại vựa ốc của anh Trần Minh Sang, tiếng máy nổ sàng ốc xịt khói, mọi người nhanh tay lựa ốc, xúc ốc vào bao rất chuyên nghiệp. Nhìn dưới kênh, anh Sang đậu lại chiếc vỏ lãi chở đầy ắp từ đồng xa về. Tay che trước trán, anh rón rén chạy miết từ mé kênh lên trại trú mưa. Gặp chúng tôi, anh cho hay: “Mấy bữa nay mưa lớn, trên đồng ngập nước tới bắp chân nên ốc sinh sản nhiều, bà con “cày” thâu đêm. Năm nào cũng vậy, đến tháng này, không khí mua bán ốc ở đây rất nhộn nhịp”.
Không ai bảo ai, chỉ trong vòng vài phút, hơn 10 thanh niên xuống ghe khuân vác những bao ốc đồng nặng trịch mang lên bờ. Cạnh đó, các anh trung niên toàn thân ướt sủng, tay thoăn thoắt mở miệng bao đổ ốc vào chiếc máy sàng. Tiếng khua lạch cạch, tiếng ốc đổ lốc cốc, tạo nên âm vang sống động vùng nông thôn. Công việc của họ chia nhau làm nhịp nhàng, ăn khớp từng khâu. Dầm dưới cơn mưa, anh Tùng (33 tuổi, công đoàn trưởng bốc vác ốc) bày tỏ, mỗi buổi sáng tại bến vựa này tiêu thụ trên 24 tấn ốc các loại. Nguồn ốc đưa từ dưới ghe lên sàng, phân loại cho vào bao, cứ như vậy, anh em nhận tiền công từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày. “Làm ốc không kể nắng, mưa. Ngày nào cũng có ốc người dân đem đến bán. Mặc dù bốc vác, sàng, lựa ốc rất cực, nhưng bù lại thu nhập khá, có tiền nuôi con ăn học” - anh Tùng bày tỏ.
Đổ ốc vào chiếc máy sàng phân loại lớn, nhỏ
Chạy tới khoảng 5km, chúng tôi ghé vựa ốc anh Trần Thanh Quyền (em ruột của anh Sang). Không thua kém anh mình, Quyền thu mua mỗi ngày hơn 20 tấn ốc tại vùng quê này. “Mùa lũ, mỗi ngày bà con mang vợt ra đồng ủi ốc. Hiện, ốc cân “xô” 1.200 - 1.500 đồng/kg, bình quân mỗi xuồng thu hoạch hơn tấn ốc, kiếm thu nhập tiền triệu sau khi trừ chi phí. Giờ đây, nghề ốc đồng đã tạo công ăn, chuyện làm cho hàng trăm hộ dân, có thêm thu nhập ổn định trong mùa nước nổi” - anh Quyền tâm sự. Dọc theo tuyến kênh này, gia đình anh Quyền đều làm nghề thu mua ốc của bà con. Gia đình anh có hơn 20 năm làm nghề thu mua ốc, nên được ngư dân biết đến.
Ngồi bên lán trại trú mưa, anh Sang nhớ lại, trước đây, mỗi khi cào cá trên đồng lũ nếu bắt dính con ốc, người ta đều đổ bỏ. Thấy được nguồn lợi trong thiên nhiên dồi dào, anh thu mua về bán cho vịt ăn chỉ vài trăm đồng mỗi ký. Nhưng, con ốc sinh sản trên đồng nhiều quá, vịt ăn không hết. Anh Quyền gặp dân “miệt dưới” (các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu...) lên thu mua ốc về cho tôm sú, cua biển ăn. Từ đó, anh “bắt mối”, rồi đứng ra thu mua, giao tận nơi cho ngư dân nuôi thủy sản. “May mắn, tôi gặp ngư dân ở tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu lên mua ốc về làm thức ăn nuôi thủy sản. Nắm bắt cơ hội đó, tôi thu mua ốc chở xuống “miệt dưới” bán lại kiếm lời. Nhờ vậy, nguồn ốc được tiêu thụ mạnh, góp phần giảm dịch hại mùa màng cho nhà nông” - anh Sang chia sẻ.
Sàng phân loại ốc
Kiếm tiền rủng rỉnh nhờ loài giáp xác
Nguồn ốc đồng được tiêu thụ mạnh, bà con đầu tư ghe, ngư cụ khai thác trên đồng lũ. Từ đó, xóm kênh Mặc Cần Dưng có hàng trăm hộ mưu sinh bằng nghề cào ốc. Riêng các vựa ốc ở đây được ngư dân nuôi tôm khắp nơi biết tới. Dạo trước, dù mới “ra lò” nghề buôn ốc, gia đình anh Sang đã nhận được nhiều đơn đặt hàng mua ốc nhỏ từ các ngư dân nuôi tôm ở miền Trung và miền Bắc. Khách hàng ngày càng nhiều, anh Sang huy động thêm 5 anh em trong gia đình cùng tham gia vào nghề buôn ốc. “Gia đình tui tới 6 anh em đi buôn ốc đồng. Mỗi ngày, chúng tôi chạy ghe thu mua trên 200 tấn ốc, trong đó ốc bươu vàng chiếm sản lượng nhiều, phân phối khắp nơi” - anh Sang bộc bạch.
Chập choạng tối, chúng tôi có dịp ngang qua kênh Mặc Cần Dưng thấy bà con dong chiếc vỏ lãi “chẻ” nước, rồi chạy tuốt vào sâu trong nội đồng, tạo nên khung cảnh náo nhiệt mùa nước nổi. Họ như “cái vạc ăn đêm” miệt mài trên đồng lũ. Nhiều hôm, gặp mưa bão, họ vẫn âm thầm “cày” thâu đêm trên đồng nước. “Nghề cào ốc tuy cực, nhưng bù lại có thu nhập khá. Đêm nào cũng vậy, tôi dong chiếc vỏ lãi đậu trên đồng chờ người dân thu hoạch ốc mang đến cân. Những ánh đèn nhá nhem trên đồng lũ, rất vui nhộn” - anh Quyền hồ hởi.
Xúc ốc vào bao
Mặc dù nghề cào ốc, buôn ốc đồng được xem là nghề “tay trái”, nhưng là nghề kiếm thêm thu nhập rủng rỉnh, ai cũng làm được. “Năm nay, nguồn ốc sinh sản nhiều trên đồng, bà con có “đồng vô, đồng ra” trong mấy tháng lũ. Mỗi buổi tối, một vỏ lãi có thể thu hoạch 1 tấn ốc. Với giá bán 1.200 đồng/kg, bỏ sở hụi, mỗi gia đình cào ốc thu nhập hơn 1 triệu đồng/đêm” - anh Nguyễn Văn Hùng chuyên ủi ốc trên đồng lũ cho hay.
Để con ốc còn tươi đến ngư dân nuôi thủy sản ở các tỉnh xa, tiểu thương sử dụng xe tải đông lạnh để vận chuyển. Nguồn ốc đưa tận nơi, giữ nguyên độ tươi, sống. Anh Quyền cho biết: “Hồi trước, chưa nắm kỹ thuật, tôi dùng nước đá ướp lạnh con ốc. Với cách làm này, ngư dân nuôi thủy sản không chuộng, vì tôm sú ăn dễ bị nhiễm bệnh. Do đó, tôi dùng xe tải đông lạnh, chở ốc ra tới tận nơi…”.
Nghề bắt ốc, buôn bán ốc đồng không chỉ giải quyết chuyện làm ăn của nông dân, mà còn tạo thu nhập cho khoảng 100 thanh niên bốc, vác ốc. “Anh em tôi có sở mần nhờ con ốc đồng này. Khuân vác mỗi tấn kiếm được 150.000 đồng, trung bình mỗi buổi sáng, một người vác từ 2 tấn ốc, bỏ túi ngót nghét 400.000 đồng” - anh Tâm (44 tuổi) phấn khởi.
Màn đêm buông dài trên cánh đồng lũ, bà con chộn rộn khai thác ốc mang về bán cho tiểu thương. Sau một đêm xúc ốc trên đồng lũ, họ thu nhập kha khá, trang trải cuộc sống gia đình trong mùa nước nổi.
LƯU MỸ