Ngay từ đầu tháng 8, nhiều trường học tư đã đón học sinh trở lại, bắt đầu giảng dạy chương trình chính khóa. Em Đặng Quốc Bảo, học sinh lớp 6C1, Trường Tiểu học và THCS Tây Hà Nội (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trở lại trường học sau hơn hai tháng nghỉ hè. Đến trường, Quốc Bảo được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như: Học làm phim, nhiếp ảnh, Robotics, lập trình... Không áp lực bài vở, điểm số, năm học mới của Quốc Bảo cùng hàng trăm bạn học bắt đầu bằng niềm vui, tiếng cười rộn rã.
Cùng niềm vui tựu trường, em Vương Ngọc Linh, học sinh lớp 1C1 của Trường Tiểu học và THCS Tây Hà Nội, đã trải qua buổi học đầu tiên với tâm thế hào hứng, tự tin hơn, không còn sự rụt rè thường thấy ở những học sinh lần đầu tiên đến lớp. Đây cũng là thời điểm để em khám phá ngôi trường mới, gặp gỡ thầy cô và bạn bè mới.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Tây Hà Nội (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong ngày tựu trường. |
Thầy Nguyễn Văn Chắp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tây Hà Nội cho biết: “Để buổi tựu trường có nhiều hoạt động ý nghĩa, nhà trường đã dành thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc lên ý tưởng đến chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện để đón học sinh trở lại trường”.
Tổ chức câu lạc bộ kéo dài 12 ngày với đa dạng hoạt động như: Học nấu ăn, khám phá khoa học, tập làm ca sĩ... để giúp trẻ hào hứng trở lại trường sau kỳ nghỉ hè kéo dài hai tháng là cách Trường THCS Trương Công Giai (Cầu Giấy, Hà Nội) thực hiện để chào đón học sinh bước vào năm học mới 2024-2025. Hay tại Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội), 2.800 học sinh tập trung ở sân trường, bắt đầu năm học mới với tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tiên và lắng nghe chia sẻ về hành trình vượt khó của anh Đỗ Hà Cừ-một nạn nhân chất độc da cam/dioxin...
Mỗi trường một cách làm, một hình thức thể hiện sáng tạo khác nhau, song mục tiêu cùng hướng đến là tạo không khí vui tươi, hào hứng ngay trong ngày đầu đi học trở lại của học sinh.
Chuẩn bị cơ sở vật chất
Cùng với việc tạo tâm lý sẵn sàng cho học sinh, việc chuẩn bị cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cũng là một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này. Năm học 2024-2025 sẽ tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 5, 9 và 12, đánh dấu năm đầu tiên chương trình mới được áp dụng đồng bộ ở cả 12 lớp học. Đồng thời, sách giáo khoa cũng được thay mới, yêu cầu sự chuẩn bị chu đáo từ các nhà trường.
Vào thời điểm này, giáo viên và học sinh tại các trường vùng cao của Thái Nguyên đang khẩn trương sửa sang lại lớp học, chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới. Ông Nguyễn Văn Mùi, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) chia sẻ rằng, trong suốt kỳ nghỉ hè vừa qua, huyện đã tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất cho 5 trường học. Các nguồn kinh phí đến từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nguồn ngân sách giáo dục và sự đóng góp từ xã hội hóa giáo dục, với tổng số tiền lên đến 22,39 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng về đổi mới giáo dục cho toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của các trường.
Thầy Nguyễn Văn Chắp thông tin thêm, ngay trong hè, nhà trường đã đăng ký, chọn mua các bộ sách giáo khoa phù hợp với học sinh và điều kiện dạy học của nhà trường; đồng thời tập huấn giáo viên dạy học theo sách giáo khoa mới, chương trình mới, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, sẵn sàng bước vào năm học mới. Ngoài việc tạo tâm thế cho học sinh trở lại trường, cô Vương Thị Thu Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Trương Công Giai cho hay, nhà trường còn chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh. Với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, yêu cầu học sinh phải thực hành rất nhiều, nên nhà trường đặc biệt chú trọng vào việc chuẩn bị các phòng học chức năng, phòng thí nghiệm và dụng cụ thực hành.
Năm học 2024-2025 không chỉ là một cột mốc quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục mà còn là năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2021-2025, chuẩn bị cho những nhiệm vụ tiếp theo trong 5 năm tới. Đây cũng là năm kết thúc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cả 3 lớp cuối cấp, đồng thời đổi mới phương thức thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT cho phù hợp với chương trình mới. Năm học 2024-2025, ngành giáo dục bước vào năm thứ 11 của quá trình đổi mới toàn diện, theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Ngành giáo dục sẽ tiến hành tổng kết và đánh giá chặng đường đổi mới, giải quyết những tồn tại và khó khăn hiện tại, điều chỉnh chương trình để phù hợp hơn và tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
Trong không khí khẩn trương của ngày tựu trường, các trường học trên cả nước đang tích cực hoàn tất những khâu cuối cùng để sẵn sàng đón chào một năm học mới với nhiều kỳ vọng và thách thức. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần đổi mới, năm học 2024-2025 được mong đợi sẽ mang lại những bước tiến quan trọng để bước vào chặng đổi mới theo chiều sâu chất lượng trong thời gian tới.