Hoa mai được yêu thích vì nở vàng rực ngay dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Tên gọi “mai” cũng gần với phát âm “may” trong chữ “may mắn”, nên càng tăng thêm ý nghĩa tốt đẹp.
Mỗi dịp Xuân về, nhà nào cũng có ít nhất 1 cây mai vàng trước ngõ, trên bàn khách. Cây mai đơn sơ khiêm tốn, hay kiêu hãnh vươn cành đồ sộ, thì cũng góp sắc Xuân cho người thưởng lãm thấy thoải mái, phấn khởi, tươi mới như hoa.
Sau những ngày lặt lá, lòng người đã chộn rộn chờ Tết, chờ từng nụ mai bung nở. “Ngày hội” lặt lá mai ở từng nơi chênh lệch nhau không đáng kể. Ấy vậy mà có nhà đã “ăn Tết sớm” từ sau ngày tiễn ông Táo, có nhà háo hức vì nụ hoa còn e ấp đến tận ngày 30… Chẳng sao! Đầu làng cuối xóm miễn mai nở là gia chủ đủ vui lòng.
Từ thành thị đến nông thôn, sắc vàng phủ một màu rực rỡ, mang đến sức sống, tinh thần lạc quan cho mọi người, mọi nhà.
Ghé chợ hoa, mai vàng tập kết trên bến, dưới thuyền, đẹp mê mẩn.
Mỗi cây một vẻ, mỗi người một sở thích, chợ mai đáp ứng đủ tiêu chí để từng khách hàng có thể “tậu” được cây ưng ý đem về.
Có những cây mai, vẻ đẹp không chỉ ở độ sai của bông, cánh hoa, mùi thơm…, mà còn được người chơi “chấm” ở thân, gốc và được định giá rất cao.
Tục chơi mai ngày Tết đã trở thành nét văn hóa của người miền Nam. Hình ảnh mai vàng khoe sắc đâm chồi, nảy lộc hàm ý cho ước mong của người dân về tài lộc, thịnh vượng, tạo nên không khí Tết thật đặc trưng. Sắc vàng của hoa mai hiện diện cùng muôn loài hoa kiểng góp phần cho vẻ đẹp của mùa Xuân càng sung túc, ấm áp.
MỸ HẠNH