Sản vật từ cây thốt nốt

21/07/2025 - 09:18

 - Về vùng Bảy Núi dễ dàng bắt gặp những hàng cây thốt nốt trải dài trên cánh đồng lúa xanh mướt, tạo khung cảnh nên thơ, yên bình nơi vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc. Cây thốt nốt còn là nguồn nguyên liệu quý, tạo ra các sản vật mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

Đa dạng sản phẩm từ cây thốt nốt

Dọc các xã, phường khu vực Bảy Núi, khung cảnh hàng cây thốt nốt vươn cao giữa đồng lúa tạo nên bức tranh thôn quê bình dị, để lại ấn tượng đặc biệt với du khách. Thốt nốt là loại cây có khả năng chịu hạn, ngập nước, ưa nắng, tuổi thọ có thể lên đến 100 năm, thân cao, tán lá rộng. Thông thường, cây từ 10 năm tuổi trở lên mới bắt đầu ra hoa, kết trái, trung bình từ 50 - 60 trái mỗi buồng. Trái già có vỏ màu nâu cánh gián, bóng nhẵn, cơm dày, nước ngọt, thơm. Những cây từ 30 - 40 năm tuổi có thể ra hoa, cho trái và nước quanh năm. Từ lâu, các sản vật làm từ thốt nốt đã giúp nhiều hộ dân, nhất là đồng bào Khmer cải thiện sinh kế.

Cây thốt nốt gắn liền với đời sống đồng bào Khmer

Cây thốt nốt có nhiều công dụng: lá dùng để vẽ tranh, thân cây dùng làm nhà hoặc vật dụng sinh hoạt. Phần nước và trái thốt nốt là đặc sản nổi tiếng, được du khách ưa chuộng. Dọc tuyến đường tỉnh 948, từ xã Tri Tôn đến phường Tịnh Biên, không khó bắt gặp các quán giải khát với món chính là nước thốt nốt, cùng nhiều đặc sản như thốt nốt rim, đường thốt nốt bày bán phục vụ du khách. Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, ngụ phường Tịnh Biên nhiều năm gắn bó với nghề buôn bán sản phẩm từ thốt nốt, cho biết: “Dọc tuyến đường này có nhiều điểm bán, nhưng khách vẫn rất đông, nhất là dịp hành hương về núi Cấm. Họ thường ghé nghỉ chân, uống nước thốt nốt lạnh hoặc mua đường thốt nốt làm quà cho người thân, bạn bè”.

Đặc sản đường thốt nốt

Đường thốt nốt là đặc sản của An Giang, được làm từ nước hoa thốt nốt và nổi tiếng khắp nơi. Từ hoa trên ngọn cây cao, người dân cắt vòi lấy nước, mang về nấu thành đường. Công đoạn này tưởng đơn giản nhưng lại rất công phu. Người lấy nước phải dùng cây tre cột thành thang leo lên ngọn cây, cắt vòi hoa rồi đặt thanh tre để dẫn nước chảy vào chai. Sau đó, nước được đun nấu tỉ mỉ để cho ra mẻ đường vàng óng, thơm ngọt đặc trưng.

Trong số những sản phẩm từ cây thốt nốt, nổi bật là sản phẩm mật thốt nốt của Công ty Cổ phần Palmania, tọa lạc xã Tri Tôn. Các sản phẩm được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, đạt tiêu chuẩn nguyên chất, sạch và giữ trọn hương vị đặc trưng của thốt nốt. Hiện sản phẩm của Palmania đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Chị Chau Ngọc Dịu - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Palmania chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở vùng núi, tôi chứng kiến bà con vất vả nấu mật thốt nốt vào dịp cuối năm. Tôi mong muốn duy trì nghề truyền thống này bằng cách sản xuất sản phẩm sạch, nguyên chất, có thể nâng tầm thương hiệu đặc sản quê hương”.

Những sản vật từ cây thốt nốt mang lại giá trị kinh tế

Khó khăn nhất trong nghề nấu mật là phải giữ được chất lượng tự nhiên. Theo phương pháp truyền thống, người dân bỏ mảnh gỗ sến vào lọ hứng mật để hạn chế lên men chua - một công đoạn thủ công đòi hỏi mật hoa phải được nấu trong vòng 8 giờ sau khi thu hoạch, nên rất vất vả.

Sau nhiều năm nghiên cứu, Palmania đã phát triển thành công sản phẩm mật thốt nốt sệt, mật thốt nốt bột và mật thốt nốt hạt. Dù thay đổi hình thức, các sản phẩm vẫn giữ nguyên hương vị, màu sắc và hàm lượng khoáng chất tự nhiên. Cả ba sản phẩm này đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp quốc gia năm 2024.

Bài và ảnh: MỸ LINH