Sản xuất thuốc điều trị COVID-19 giả có bị xử lý hình sự?

20/09/2021 - 19:43

Nếu cơ quan chức năng điều tra, xác định đủ yếu tố cấu thành tội buôn bán, sản xuất thuốc điều trị COVID-19 giả hoặc lợi dụng tâm lý lo sợ của người dân để trục lợi, những người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Số thuốc tân dược giả do nhóm đối tượng tự mua nguyên liệu, đem về sản xuất tại thời điểm cơ quan điều tra phát hiện, lập biên bản thu giữ. (Nguồn: vov.vn)

Thời gian gần đây, tại một số địa phương trên cả nước xuất hiện hành vi sản xuất, buôn bán thuốc tân dược không rõ nguồn gốc, thuốc tân dược giả được quảng cáo có chức năng hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19 khiến dư luận không khỏi quan tâm, lo lắng. Cụ thể, ngày 20/8, lực lượng trinh sát Công an TP HCM qua nắm bắt thông tin đã tiến hành bắt quả tang Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Dương Quốc Chính (SN 1960, ngụ quận Gò Vấp) và Nguyễn Thị Kim Tuyến (1971, ngụ quận 11, TP. HCM) có dấu hiệu buôn bán thuốc tân dược không rõ nguồn gốc, thuốc tân dược giả, trong đó có một số loại thuốc khan hiếm trên thị trường hiện nay có chức năng hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19, vi phạm quy định về "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh".

Thời điểm phát hiện, lập biên bản bắt giữ, đối tượng Thuận chở thùng carton bên trong chứa 150 hộp thuốc điều trị COVID-19 hiệu TERPINCODEIN. Thuận khai nhận đây là thuốc tân dược giả; do Thuận tự mua nguyên liệu, đem về sản xuất rồi bán ra thị trường kiếm lời.

Khám xét khẩn cấp tại 3 địa điểm là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc tân dược giả tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình, quận 8; công an tạm giữ số lượng lớn nguyên liệu, hơn 630.000 viên thuốc tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất. Trong đó có 3.116 hộp thuốc phòng, chữa trị COVID-19 giả các nhãn hiệu Neo- Cordion, Augmentin, 2,5kg viên thuốc màu trắng không nhãn hiệu dùng để sản xuất thuốc.

Vậy, những hành vi này sẽ bị xử lý ra sao, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Tiến, đoàn luật sư TP Hà Nội để có góc nhìn, giải đáp pháp lý.

Theo luật sư Đặng Văn Tiến, việc sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả thông thường cũng đã là hành vi trái pháp luật, xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng và đặc biệt là gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người sử dụng. Hành vi này vi phạm điểm a, khoản 5, Điều 6, Luật Dược năm 2016, hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả bị nghiêm cấm. Tùy theo mức độ, tính chất mà hành vi bị xử phạt hành chính nếu vụ việc mang tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn, không đến mức phải xử lý hình sự, các đối tượng vi phạm sẽ bị phạt theo Điều 9, Điều 10, Mục 1, Chương II, Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2 - 140 triệu đồng (với cá nhân buôn bán) hoặc 10 – 200 triệu đồng (với cá nhân sản xuất thuốc giả). Với tổ chức vi phạm quy định tương tự, mức phạt sẽ gấp hai lần mức tiền trên.

Đặc biệt, theo luật sư Đặng Văn Tiến, trường hợp cơ quan chức năng khi tiến hành điều tra, làm rõ, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đối tượng vi phạm có thể đối diện với mức xử lý hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo Điều 194, Mục 1, Chương XVIII, Bộ luật hình sự 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Theo đó, cá nhân phạm tội tùy theo các tình tiết định tội, định khung sẽ chịu mức xử lý tương đương như sau:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Buôn bán qua biên giới; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên; Làm chết 02 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.”.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

“Rõ ràng, thời điểm dịch bệnh phức tạp mà lợi dụng để kiếm lời bằng sản xuất, buôn bán thuốc giả là vi phạm pháp luật, có thể được coi là tình tiết tăng nặng khi cơ quan chức năng tiến hành xử lý. Do đó, việc dư luận quan tâm, lo lắng và lên án hành vi vi phạm pháp luật này là hoàn toàn có cơ sở. Cơ quan chức năng cần khẩn trương có chế tài nghiêm khắc xử lý, không để hành vi này tái diễn trong thời gian tới, gây ảnh hưởng tới điều kiện tinh thần, sức khỏe và đặc biệt là tính mạng của người dân.” – luật sư Đặng Văn Tiến cho biết thêm./.

Theo TRƯỜNG QUÂN (Đảng Cộng Sản)