Năm thành công vang dội
Đầu năm 2019, đã có lo ngại về việc thể thao Việt Nam khó hoàn thành hàng loạt mục tiêu quan trọng trong năm như có vận động viên giành vé tham dự Olympic 2020, ít nhất xếp hạng Ba toàn đoàn tại SEA Games 30 trong đó đội tuyển bóng đá nam U22 quốc gia và đội tuyển nữ cùng hướng đến chức vô địch...
Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng từng nhận định, không dễ thực hiện những mục tiêu trên, đặc biệt là tại SEA Games 30. SEA Games dù còn nhiều hạn chế về tổ chức thi đấu nhưng vẫn là sân chơi quan trọng với thể thao Việt Nam, có tầm ảnh hưởng đến không khí chung của xã hội. Thực tế, sân chơi này vẫn quá sức với nhiều môn thi đấu của thể thao Việt Nam.
Thành công của thể thao Việt Nam đã góp phần truyền cảm hứng cho toàn xã hội. Ảnh: Quý Lượng
Đơn giản vì nhiều vận động viên nhiều môn thể thao ở Đông Nam Á đã đạt tới đẳng cấp hàng đầu châu lục, đẳng cấp thế giới như cầu lông, bóng chuyền nữ… Trong khi đó, vận động viên những môn này ở Việt Nam chưa bao giờ lên ngôi vô địch ở SEA Games. Cho nên, không ít áp lực đã dồn vào Đoàn Thể thao Việt Nam trong kỳ Đại hội này.
Trong khi đó, ở nhiều môn đang diễn ra sự chuyển giao lực lượng nên không dễ khẳng định được vị thế ở SEA Games cũng như giành thành tích tốt ở vòng loại Olympic 2020, các giải vô địch châu lục và thế giới.
Dù vậy, ở sự kiện thể thao quốc tế quan trọng nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2019 là SEA Games 30, thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt sự mong đợi – như chính Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng nhìn nhận. Đoàn Thể thao Việt Nam đạt tới 288 huy chương các loại (98 Huy chương vàng, 85 Huy chương bạc và 105 Huy chương đồng) để xếp hạng 2/11 quốc gia tham dự Đại hội.
Theo thống kê từ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 30 Trần Đức Phấn thì thể thao Việt Nam đã liên tiếp sở những thành tích “lần đầu tiên” tại Đại hội. Trong đó, lần đầu tiên thể thao Việt Nam vượt qua Thái Lan để xếp hạng 2 toàn đoàn tại một kỳ SEA Games ngoài Việt Nam; lần đầu tiên đội tuyển bóng đá nam đạt Huy chương vàng sau 60 năm; đội tuyển bóng đá nữ trở thành đội đầu tiên tại Đông Nam Á có 6 lần vô địch SEA Games; lần đầu tiên hai đội tuyển bóng đá nam, nữ cùng đạt Huy chương vàng tại một kỳ SEA Games; lần đầu tiên quần vợt Việt Nam giành Huy chương vàng ở SEA Games; lần đầu tiên bóng rổ Việt Nam đoạt được 2 Huy chương đồng ở SEA Games…
Ông Trần Đức Phấn cũng thống kê, trong tổng số 288 huy chương đạt được, có 23 môn thể thao Olympic giành huy chương (chiếm tỷ lệ 68,4%); 18 môn thể thao Olympic giành được 71/98 Huy chương vàng (chiếm tỷ lệ 74,55%)…
Nhiều môn thể thao tham dự bằng nguồn kinh phí địa phương, nguồn xã hội hóa như kurash, muay, kickboxing, võ gậy… cũng mang về hàng chục Huy chương vàng cho thể thao Việt Nam. Trong thành tích của Đoàn Việt Nam, các vận động viên CAND cũng đóng góp 2 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc, 3 Huy chương đồng.
“Điều này cho thấy Thể thao Việt Nam đang có sự chuyển mình đáng kể trong đó có bước đột phá thành tích ở các môn thể thao tập thể, các môn thể thao Olympic. Đặc biệt là tấm Huy chương vàng môn bóng đá nam đã làm nức lòng người hâm mộ, khán giả và nhân dân cả nước...” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn nhận định như vậy về sự kiện quan trọng nhất trong năm 2019 của thể thao Việt Nam.
Trong khi đó, trên hành trình giành vé tham dự Olympic 2020, thể thao Việt Nam đã có 4 vận động viên đoạt vé trực tiếp gồm: Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Huy Hoàng (bơi).
Đặc biệt, Nguyễn Huy Hoàng giành chuẩn A tham dự nội dung 1.500m tại Olympic 2020 nhừ thành tích tại SEA Games 30. Điều đó thêm một lần cho thấy tầm quan trọng của sân chơi này chứ không hẳn là “mở ra cho vui”.
Quan trọng hơn, tất cả cho thấy thể thao Việt Nam đang vững vàng đi tới tương lai.
Lan tỏa khát vọng, ý chí Việt Nam
Không ngẫu nhiên khi vào tháng cuối năm 2019 khi thể thao Việt Nam trở thành điểm sáng trong các lĩnh vực. Những cuộc tôn vinh Đoàn Thể thao Việt Nam, các vận động viên, huấn luyện viên giành Huy huy chương ở nhiều tỉnh, thành, ngành với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh, thành phố cùng sự quan tâm của người hâm mộ, doanh nghiệp… đã cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ từ thành tích thể thao tại SEA Games 30.
Vận động viên tiêu biểu 2019 Nguyễn Thị Oanh.
Niềm tự hào dân tộc, sự kết nối mọi người đến từ thành tích thi đấu của các đội tuyển, màn trình diễn cống hiến của các vận động viên Việt Nam đã truyền cảm hứng cho toàn xã hội. Cụm từ “ý chí, khát vọng, tinh thần Việt Nam” được đề cập ở nhiều nơi, nhiều chỗ với niềm tự hào cao độ.
Huấn luyện viên Park Hang-seo của đội tuyển U22 Việt Nam khi đúc kết thành công của các học trò ở đội U22 Việt Nam cũng đã khẳng định, chính các học trò của ông đã mang tinh thần Việt Nam – tinh thần không bao giờ bỏ cuộc, vào trận đấu để rồi mang về chức vô địch SEA Games đầu tiên sau 60 năm chờ đợi của bóng đá Việt Nam.
Còn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng dẫn ra không ít trường hợp vận động viên Việt Nam thể hiện ý chí, khát vọng và sức trẻ, tài năng Việt Nam để truyền cảm hứng cho xã hội. Từ câu chuyện của những vận động viên như Phạm Thị Hồng Lệ (điền kinh), Trần Thị Hồng Nhung (bóng đá nữ) đều phải điều trị tích cực sau thi đấu do vắt kiệt sức; hay trường hợp kình ngư Ánh Viên dù đạt thành tích ấn tượng là giành 6 Huy chương vàng nhưng vẫn khóc vì không hoàn thành mục tiêu đoạt 8 Huy chương vàng; hay tài năng trẻ như Trần Hưng Nguyên mới 16 tuổi đã giành 2 Huy chương vàng môn bơi, Trần Nhật Hoàng mới 19 tuổi đã giành tới 3 Huy chương vàng ở môn điền kinh.
Và như khẳng định của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, quan trọng nhất vẫn là những thành quả đó đều tôn vinh khát vọng, tinh thần, ý chí và tài năng Việt Nam, mang đến sự kết nối mạnh mẽ trong xã hội, góp phần tạo nên sự vui tươi, không khí phấn khởi trong nhân dân – góp phần tạo nên ổn định xã hội, ý thức đóng góp xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.
Cho nên, tinh thần, ý chí, khát vọng Việt Nam từng được thể thao Việt Nam thể hiện tại SEA Games 30 cũng như nhiều kỳ giải quốc tế cũng được gửi gắm, được nhân rộng ở những lĩnh vực, ngành khác. Tất cả để chung tay tạo nên một đất nước hùng cường.
Rõ ràng, trong năm 2019, thể thao Việt Nam đã chứng tỏ được và thực hiện trọn vẹn các mục tiêu, đóng góp vào quá trình phát triển đất nước. Tất nhiên, cuộc sống không ngừng vận động, lại có những mục tiêu khác đặt ra cho thể thao Việt Nam trong năm 2020 như phấn đấu giành 20 vé dự Olympic 2020, có vận động viên giành huy chương tại Olympic 2020, chuẩn bị lực lượng để bảo đảm giành ngôi Nhất toàn đoàn ở SEA Games 31 năm 2021, giành Huy chương vàng ở ASIAD 2020…
Thực tế, đó đều là mục tiêu khó thực hiện và lại cần đến những lần “vượt ải” ngoạn mục để truyền cảm hứng cho xã hội, chứng tỏ vị thế quan trọng của thể thao. “Nhưng đầu tiên phải nỗ lực hết mình. Chỉ có nỗ lực mới mong may mắn đến với mình. Chúng ta từng hy vọng có huy chương ở Olympic 2016 nhưng cuối cùng lại có 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc. Điều đó đến từ nỗ lực thực sự chứ không phải là ăn may” – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chia sẻ như vậy về phương hướng năm 2020 của thể thao Việt Nam.
Pencak Silat khép lại năm thành công của thể thao Việt Nam
Trong năm 2019, thể thao Việt Nam giành 599 Huy chương vàng, 437 Huy chương bạc, 471 Huy chương đồng tại các giải quốc tế trong đó có 101 Huy chương vàng, 60 Huy chương bạc, 48 Huy chương đồng thế giới; 132 Huy chương vàng, 114 Huy chương bạc, 111 Huy chương đồng châu Á; 354 Huy chương vàng, 258 Huy chương bạc, 300 Huy chương đồng Đông Nam Á là kết quả đầy ấn tượng. Trong số này, đội tuyển Pencak Silat đã giành những tấm huy chương quốc tế cuối cho thể thao Việt Nam trong năm 2019 khi giành 12 Huy chương vàng, 9 Huy chương bạc, 3 Huy chương đồng tại Giải Pencak Silat vô địch châu Á – 2019, kết thúc ngày 29-12, tại Trung Quốc. Với thành tích này, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam đã xếp Nhất toàn đoàn tại giải.
Theo Công an nhân dân