Được biết, HĐXX trong vụ án này gồm 3 người, do Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn làm chủ tọa phiên tòa; 2 kiểm sát viên được phân công thực hiện quyền công tố tại phiên tòa và hiện đã có 29 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa xét xử.
Dự kiến, thời gian xét xử sẽ diễn ra trong khoảng từ 6 - 8 ngày.
Trong vụ án này, các bị cáo kháng cáo đa số đều có chung nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường so các quyết định mà Bản án Hình sự sơ thẩm số 33-HSST ngày 22-1-2018 của TAND TP Hà Nội đã tuyên. Duy nhất có bị cáo Trịnh Xuân Thanh là kháng cáo kêu oan, con trai của bị cáo Thanh là Trịnh Hùng Cường có đơn kháng cáo đề nghị được trả lại tài sản.
Theo đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, bị cáo không tham gia vào các hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản như bản án sơ thẩm quy kết. Trên cơ sở ấy, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại cho bị cáo về cả 2 tội danh này và xem xét lại toàn bộ trách nhiệm dân sự cho bị cáo.
Trước đó, tại bản án sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tù chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội danh là tù chung thân.
Cùng có đơn kháng cáo, bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ, toàn diện khách quan và giới hạn phạm vi trách nhiệm của bị cáo. Kết quả giám định thiệt hại của vụ án chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, dẫn đến việc HĐXX đánh giá về vai trò, trách nhiệm của bị cáo chưa phù hợp, chưa công bằng và quyết định mức hình phạt quá nghiêm khắc.
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án tại phiên tòa sơ thẩm
Bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận, trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành tâm nhìn nhận trách nhiệm của mình với tư cách là Chủ tịch HĐTV PVN nhưng cũng chưa được HĐXX đánh giá và xem xét một cách thỏa đáng.
Từ đó, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét lại tội danh, hình phạt cũng như mức độ liên đới bồi thường thiệt hại đối với bị cáo. Bị cáo Thăng bị cấp sơ thẩm tuyên 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Lĩnh án 9 năm tù, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó tổng giám đốc PVN cho rằng hình phạt của bị cáo quá cao. Do vậy, bị cáo này đã kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ cả về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự nêu trong bản án sơ thẩm.
Tiếp đến, bị cáo Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng giám đốc PVC cho rằng, mức án 22 năm tù cho cả 2 tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản đã bị TAND TP Hà Nội áp dụng là quá nặng. Ngoài ra, bị cáo này còn một số tình tiết giảm nhẹ khác nhưng chưa được tòa xem xét.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo này cho rằng việc áp dụng đối với bị cáo là không có căn cứ. Bởi bị cáo là người đại diện theo pháp luật của PVC, bị cáo đã nhân danh pháp nhân, hành động vì lợi ích của PVC và không vụ lợi nên PVC phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 93 - Bộ luật Dân sự 2005.
Các bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó tổng giám đốc PVC; Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN; Lê Đình Mậu - nguyên Phó trưởng Ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN; Nguyễn Mạnh Tiến - nguyên Phó tổng giám đốc PVC; Bùi Mạnh Hiển - nguyên Chánh văn phòng PVC; Lương Văn Hòa - nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC; Nguyễn Ngọc Quý - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC đều làm đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt…
Riêng bị cáo Trương Quốc Dũng - nguyên Phó tổng giám đốc PVC không xin giảm nhẹ hình phạt tù mà bị cáo này chỉ kháng cáo chỉ xin giảm nhẹ mức bồi thường dân sự và giảm tiền án phí dân sự cho bị cáo.
Trước đó, bị cáo này đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 17 tháng tù giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Với bị cáo Phùng Đình Thực – nguyên Tổng giám đốc PVN thì kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Trong đơn kháng cáo, bị cáo này khẳng định không biết và không chỉ đạo thực hiện hợp đồng EPC số 33 sai quy định để thực hiện Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Trước đó, bị cáo Phùng Đình Thực bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù về tội “Cố ý làm trái…”.
Bên cạnh việc tuyên phạt 22 bị cáo trong vụ án, TAND TP Hà Nội cũng quyết định tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản của Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an để đảm bảo cho việc thi hành án gồm: Biệt thự số AD02-16 khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside; căn hộ số 15F05, The Costa 32-34 Trần Phú, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; xe ô tô Mazda CX5 màu trắng, biển kiểm soát 30A-970.97 đã giao cho Trịnh Hùng Cường (con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh) bảo quản và phong tỏa tài khoản.
Sổ tiết kiệm của Trịnh Xuân Thanh và vợ là bà Trần Dương Nga cùng 2 con trai (Trịnh Hùng Cường, Trịnh Hùng Phương) và số chứng khoán do Trịnh Xuân Thanh và vợ cũng bị Tòa án cấp sơ thẩm quyết định phong tỏa, không cho chuyển nhượng để đảm bảo thi hành án.
Không đồng ý với phán quyết của cấp tòa sơ thẩm, anh Trịnh Hùng Cường kháng cáo đề nghị được trả lại biệt thự số AD02-16 khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside; căn hộ số 15F05, The Costa 32-34 Trần Phú, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; xe ô tô Mazda CX5 màu trắng, biển kiểm soát 30A-970.97… Anh Trịnh Hùng Cường cho rằng, đây là tài sản do ông bà cho Cường, không thuộc tài sản phải thi hành án nên đề nghị được trả lại.
Được biết, một số bị cáo trong vụ án không có kháng cáo và hiện đã chấp hành hình phạt ở một số trại cải tạo nhưng cũng được TAND Cấp cao tại Hà Nội triệu tập tới phiên tòa với tư cách nhân chứng để làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án.
Theo MẠNH HÙNG (Công Lý)