Sạt lở tiếp diễn ở TP. Long Xuyên

14/02/2019 - 07:40

 - Đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, khu vực bến đò Cần Xây (tổ 48, khóm Bình Đức 3, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) bất ngờ xuất hiện tình trạng răn nứt, có dấu hiệu sạt lở. Khu vực này nằm cặp bờ sông Hậu, lưu lượng phương tiện thủy hàng ngày lưu thông qua lại nhiều, có thể khiến tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

Bà Võ Thị Mạnh (người dân địa phương) thông tin: “29 Tết, tại bến đò Cần Xây có dấu hiệu sạt lở. Mấy ngày sau, trụ cây trên 20 năm đổ xuống sông, kéo theo nhiều cây khác. Mọi người sợ quá, chạy ra khỏi khu vực trên, thông báo UBND phường. Lúc đầu, tôi nghĩ sạt lở ít, nhà tôi có thể giữ lại được. Nào ngờ, sạt lở diễn biến tiếp tục, buộc phải tháo dỡ nhà. Tôi đang ở nhờ nhà con, tâm trạng hoang mang. Rất mong được chính quyền địa phương hỗ trợ để ổn định cuộc sống sau này”. Ông Nguyễn Ngọc Hoài Trung kể thêm: “Mấy ngày trước, ai cũng lo vui xuân đón Tết. Lúc phát hiện vết nứt, bến đò đang hoạt động bình thường. Sau đó, địa phương và các lực lượng công an, quân sự nhanh chóng hỗ trợ chúng tôi di dời nhà cửa, tài sản. Điều chúng tôi lo lắng nhất là vết nứt ngày càng lan rộng, chưa có dấu hiệu ngừng lại. Qua đây, rất mong địa phương, ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi có nơi sinh sống an toàn, không còn lo lắng về sạt lở nữa. Đồng thời, cần có biện pháp hạn chế, khắc phục sạt lở hiệu quả”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bình Đức Ngô Nhựt Thắng cho biết: “Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 8-2 (nhằm ngày mùng 4 Tết), chúng tôi nhận được tin báo của người dân về dấu hiệu sạt lở. UBND phường tiến hành khảo sát nhanh tại địa điểm trên. Sự cố răn nứt diễn ra ở một đoạn cặp bờ sông Hậu,  chiều dài khoảng 30m, ăn sâu vào đất liền từ 4,5-5m; chiều rộng từ 8 - 15cm. Địa phương đã yêu cầu bến đò Cần Xây tạm ngưng hoạt động; bố trí lực lượng ứng trực, căng dây cảnh báo người dân không đi vào khu vực này và tiếp tục theo dõi tình hình; báo cáo nhanh đến lãnh đạo UBND thành phố và các ngành có liên quan”.

Khu vực răn nứt gây ảnh hưởng trực tiếp đến 2 căn nhà (xây dựng bằng cây gỗ và tole), 8 nhân khẩu đang sinh sống, 3 trại tạm (không có người ở). Đến khoảng 8 giờ hôm sau, đoạn răn nứt ngày càng lan rộng và xảy ra hiện tượng sạt lở. Tổng chiều dài đoạn răn nứt khoảng 70m (từ bến đò Cần Xây về huyện Châu Thành). Chiều rộng vết răn nứt có dấu hiệu rộng thêm từ 10-20cm, có khả năng mở rộng thêm. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, khu vực này đã sạt lở 1 đoạn dài khoảng 20m, ăn sâu vào đất liền 6m, cuốn 6 nắp đậy sà lan, ước tính thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Sau đó, đoạn sạt lở tiếp tục diễn ra thêm 10m, làm 1 cây sộp (cao khoảng 15m) bị sụp hoàn toàn. Tổng cộng, khoảng 200m2 đất tại khu vực đã bị sạt lở.

“Đảng ủy, UBND phường, Lữ đoàn Pháo binh 6 và lực lượng công an, quân sự, bảo vệ dân phố ứng trực 24/24 giờ, hỗ trợ người dân tháo dỡ các trại tạm, di dời đồ đạc, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đốn mé các cây lớn cặp bờ sông Hậu, yêu cầu di dời 2 sà lan đang neo đậu cặp bờ (gần khu vực). Hiện nay, khu vực răn nứt, sạt lở không gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân, nhưng đang có dấu hiệu mở rộng, tiếp tục sạt lở. Nhờ có sự chủ động và kịp thời của chính quyền địa phương cũng như người dân, vụ sạt lở tuy diễn biến liên tục, rất may không gây thiệt hại về người. Trong khi chờ giải pháp căn cơ của tỉnh và thành phố, địa phương sẽ tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực xuyên suốt để theo dõi tình hình, nhanh chóng báo cáo về trên. Chúng tôi cho cắm các biển báo “khu vực sạt lở nguy hiểm”, hạn chế tối đa người dân đến khu vực này, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc” - ông Ngô Nhựt Thắng chia sẻ thêm.

Theo thống kê trước đó, TP. Long Xuyên có tổng cộng 87 đoạn sạt lở, dài 17.607m. Tình trạng sạt lở diễn biến theo chiều hướng phức tạp qua từng ngày. Kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh đợt II-2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, TP. Long Xuyên có 6 đoạn cảnh báo sạt lở, tổng chiều dài 12.500m từ mức độ trung bình đến mức độ rất nguy hiểm. Trong đó có 2 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại lớn: đoạn sông Hậu từ bến đò Cần Xây đến đuôi cồn Nguyễn Du; đoạn đầu cù lao Mỹ Hòa Hưng (ấp Mỹ Thuận). Ngoài ra, 3 đoạn được cảnh báo ở mức độ nguy hiểm gồm: đoạn cù lao cồn Phó Ba (xã Mỹ Hòa Hưng) và 2 đoạn rạch Cái Sắn trên địa bàn phường Mỹ Thạnh (tính từ chợ Cái Sắn đến cầu Đình; cầu Đình đến ranh Vĩnh Trinh, TP. Cần Thơ). Còn lại chủ yếu là sạt lở nhỏ, đoạn ngắn, nằm cặp theo các tuyến đường giao thông nông thôn, làm ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, giao thương, mua bán hàng hóa của người dân trong khu vực. Không chỉ vậy, thành phố còn phát sinh 5 điểm sạt lở mới. Trong đó có nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng nằm ở các tuyến đường độc đạo của các địa phương như: đoạn sạt lở kênh Lò Men (phường Mỹ Thới), đoạn sạt lở chân cầu Ba Miễu (phường Mỹ Thạnh) và đoạn sạt lở tại tổ 5, ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh.

Trước mắt, cùng với sự vào cuộc giải quyết của các cấp, ngành, địa phương, người dân cần quan tâm, theo dõi diễn biến khu vực sạt lở; tuân thủ các giải pháp khắc phục tạm thời của chính quyền địa phương để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do sạt lở gây ra.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG