Sát thủ âm thầm
Trên thế giới, tỉ lệ tăng huyết áp lên đến gần 20% (theo Tổ chức y tế thế giới). Tại Mỹ, theo những phân tích mới nhất được công bố bởi CDC (Centers for Disease Control and Prevention), tỉ lệ tăng huyết áp lên tới gần 30%. Cả nước Mỹ có khoảng 1/4 dân số bị tăng huyết áp (khoảng 58,4 triệu người). Tỷ lệ tăng huyết áp tại nước Mỹ tăng dần theo tuổi, nghĩa là khoảng một nửa dân số Mỹ > 60 tuổi bị tăng huyết áp.
Còn tại Việt Nam, tần suất mắc tăng huyết áp càng gia tăng khi nền kinh tế phát triển hơn, nếu không có các biện pháp dự phòng hữu hiệu thì đến 2025 sẽ có gần 10 triệu người bị tăng huyết áp. Thực trạng hiểu biết và kiểm soát huyết áp tại Việt Nam cũng rất đáng quan tâm khi mà chỉ có 23% là biết đúng các nguy cơ của bệnh tăng huyết áp (số liệu năm 2002 của GS.TS. Phạm Gia Khải và cộng sự).
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, chỉ có khoảng 34% số người mắc tăng huyết áp được điều trị và trong số đó tỷ lệ kiểm soát được huyết áp chỉ là 11% (khảo sát của Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam năm 2008).
Bệnh tăng huyết áp nghèo nàn về triệu chứng nhưng lại có rất nhiều biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân và để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Bệnh có rất nhiều biến chứng như: cơn đau thắt ngực, nhũn não, xuất huyết não, suy thận, tăng áp động mạch võng mạc, rối loạn tiền đình, mù lòa…
Trong khi đó, 90 % tăng huyết áp được xác định là vô căn. Theo GS Phạm Gia Khải – nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Quốc gia những thói quen hiện nay như ăn uống, lười vận động đang làm gia tăng tỷ lệ tăng huyết áp. Đặc biệt, GS Khải cho biết hiện nay lối sống công nghiệp, giới trẻ thích ăn thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chứa nhiều natri (muối) là yếu tố gây tăng huyết áp.
GS Khải cho rằng thói quen ăn mặn của người Việt chính là gánh nặng làm cho huyết áp không ổn định và áp lực của natri trong máu chính là thủ phạm làm cho huyết áp tăng cao.
Mỗi người chỉ nên ăn 5gram muối mối ngày bao gồm cả muối chấm, muối nêm, các loại gia vị, nước chấm. Nhưng thực tế thì người Việt ăn mặn gấp 2,3 lần so với khuyến cáo trên.
Muối và tim mạch
Theo TS. Đỗ Thị Phương Hà - Viện Dinh dưỡng Quốc gia ăn mặn sẽ làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này như suy tim, suy thận trong đó có huyết áp. Người bị tăng huyết áp ăn mặn sẽ làm cho biến chứng ngày càng nhanh hơn.
Bình thường, khi ăn nhiều muối sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với Natri, ion Na sẽ được chuyển vận nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.
Vì vậy, khi ăn nhiều muối cộng thêm các yếu tố gây nhiều sang chấn tinh thần (stress) trong cuộc sống sẽ tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng tái hấp thu natri ở ống thận. Ion Na+ vào nhiều trong tế bào cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.
Người bị tăng huyết áp có thể thiếu yếu tố nội tiết thải muối, Natri bị tích tụ lại trong cơ thể, ion Na được vận chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp. Ngoài ra, muối làm tăng độ nhạy cảm của hệ thống tim-mạch và thận đối với Adrenaline- một chất gây tăng huyết áp.
Việc giảm tác hại của ăn mặn cần bắt đầu ngay từ ngày hôm nay. Vị chuyên gia dinh dưỡng này cho rằng cách tốt nhất làm giảm muối đó là, chấm nhẹ tay, nên có thói quen đọc các thành phần tỷ lệ muối trong các loại thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn để biết lượng muối mình ăn hàng ngày như thế nào.
Theo KHÁNH CHI (Infonet)