Sẽ có chính sách ưu đãi phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam

13/08/2024 - 08:59

Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, biến đây thành một ngành kinh tế đóng góp lớn cho đất nước.

Sáng ngày 12/8, Bộ TT&TT đã tổ chức buổi làm việc với các bộ, ngành có liên quan nhằm lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số trước khi trình lên Chính phủ, Quốc hội. 

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính và Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) - đơn vị chủ trì soạn thảo. 

Trước đó, theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành xây dựng dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. 

Luật Công nghiệp công nghệ số được soạn thảo nhằm giải quyết các tồn tại, bất cập trong thi hành quy định về công nghiệp CNTT trong Luật Công nghệ thông tin. Văn bản quy phạm pháp luật này cũng hướng tới việc đề xuất chính sách đột phá nhằm thúc đẩy phát triển, đồng thời hạn chế những rủi ro nếu có trong các hoạt động công nghiệp công nghệ số.

W-tt phuong bui.jpg

Buổi làm việc lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Ảnh: Trọng Đạt

Theo dự thảo tờ trình, Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, biến đây thành một ngành kinh tế đóng góp lớn cho đất nước.

Luật Công nghiệp công nghệ số hướng tới việc chuyển dịch các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chủ yếu từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất và làm chủ công nghệ lõi; Tạo thị trường cho công nghiệp công nghệ số và thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Công nghiệp công nghệ số bao gồm: Hoạt động công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến công nghiệp công nghệ số.

Luật này không quy định về hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh, cơ yếu. Đối tượng áp dụng của Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến là cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến công nghiệp công nghệ số.

W-ky-su-phan-mem-cntt-1.jpg

Một kỹ sư CNTT đang phát triển ứng dụng hồ sơ sức khỏe. Ảnh: Trọng Đạt

Trước thời hạn trình Chính phủ đang đến gần, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương cho biết, Bộ TT&TT muốn mời đại diện các bộ, ngành cùng trao đổi, thảo luận, góp ý trực tiếp cho dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. 

Chia sẻ về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, bà Phạm Thuý Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, dự thảo cần tập trung vào 2 mảng chính sách lớn, một là vấn đề ưu đãi đầu tư, hai là cơ chế cấp phép thử nghiệm. 

Để phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, quan trọng nhất là vấn đề ưu đãi đầu tư, thủ tục đầu tư, chính sách, ưu đãi thuế, các chính sách liên quan,... theo hướng ủng hộ Bộ TT&TT đưa ra các ưu đãi ở mức cao nhất bởi đây là những ngành cần phát triển, mở ra trong giai đoạn này”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nhận định.

Góp ý dưới góc độ cơ quan đang xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù với một số ngành công nghệ mới, công nghệ nguồn, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đề xuất cần xây dựng các chính sách với “khu công nghệ số” trong Luật Công nghiệp công nghệ số sao cho đồng bộ với Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo. 

Đối với các chính sách ưu đãi trong khu công nghệ số, đại diện Bộ KH&ĐT đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Công nghiệp công nghệ số nên thuê công ty tư vấn có chuyên môn để rà soát lại từng điều khoản, quy định của pháp luật. 

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành liên quan cũng đề cập tới nhiều vấn đề cụ thể được nhắc tới trong Luật Công nghiệp công nghệ số như ưu đãi đầu tư cho công nghiệp bán dẫn, vấn đề thuế VAT, cơ chế thử nghiệm mang tính nghiên cứu, chính sách cho tài sản số,... Trước những chia sẻ của các chuyên gia, buổi làm việc đã giúp làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến Luật Công nghiệp công nghệ số. 

Theo Vietnamnet