Phim mới sẽ được phát triển từ nền tảng hai tác phẩm điện ảnh "Cô Ba Sài Gòn" và "Công tử Bạc Liêu"
“Cô Sáu Bạc Liêu: Ngao du Sài Gòn” là dự án điện ảnh vừa được công bố, dự kiến khởi chiếu trong năm 2027. Nhà sản xuất phim là Xưởng Phim Màu Hồng, hãng từng làm “Cô Ba Sài Gòn” (2017) và “Công tử Bạc Liêu” (2024).
Tuy mới trong giai đoạn xây dựng ý tưởng, đây là nỗ lực của nhà làm phim trong việc tạo ra “vũ trụ điện ảnh” về những nét văn hóa đại chúng nổi bật của vùng Nam Kỳ lục tỉnh thế kỷ 19, 20.
Nhân vật chính trong phim là cô Sáu, từng được giới thiệu trong phim “Công tử Bạc Liêu,” vừa phát hành đầu tháng 12 vừa qua. Nhân vật này là em gái của công tử Ba Hơn, do Kaity Nguyễn thủ vai. Cả 2 đều là con nhà giàu nhất trong tỉnh.
Cô Sáu (Kaity Nguyễn) trong "Công tử Bạc Liêu"
Những thông tin ban đầu từ nhà phát hành cho biết trong cô Sáu được anh trai mua tặng cho tiệm may Thanh Nữ, vốn là tiệm may nhiều đời và nổi tiếng nhất xứ trong “Cô Ba Sài Gòn.” Từ đây dự án cũng công bố cô Sáu chính là mẹ của Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) và bà ngoại của Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) - hai nhân vật chính trong phần 1.
Nối tiếp cả hai phim, “Cô Sáu Bạc Liêu: Ngao du Sài Gòn” có thể được phát triển theo một trong hai hướng. Một là hành trình vượt qua sự cấm cản của gia đình để khẳng định bản thân, phát triển danh tiếng của tiệm may Thanh Nữ. Hai là tiếp tục mô típ "xuyên không" (du hành thời gian) để các nhân vật gặp gỡ, khai thác theo hướng tình cảm gia đình.
Tuy nhiên trong phim mới, cô Sáu dự kiến sẽ do những tên tuổi khác thủ vai, có thể là sao nữ mới nổi Ngọc Xuân (phim "Ngày xưa có một chuyện tình") hoặc Nguyễn Lâm Thảo Tâm (phim "Mắt biếc"). Nhà sản xuất lý giải hai nữ diễn viên này đều có vẻ đẹp sắc sảo, hợp vai có cá tính mạnh, có tiềm năng đối với môtíp phim khẳng định bản thân.
Hình ảnh quảng bá ban đầu của "Cô Sáu Bạc Liêu"
“Cô Ba Sài Gòn” là phim giả tưởng, kịch tính, xuyên không giữa hai năm 1969 và 2017. Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn là đạo diễn, nhóm A Type Machine (bao gồm Kay Nguyễn) là tác giả kịch bản, Ngô Thanh Vân sản xuất. Phim lấy chủ đề thời trang, tìm về tình yêu với tà áo dài giữa bối cảnh Tây hóa mạnh mẽ.
“Cô Ba Sài Gòn” từng ra mắt quốc tế tại Liên hoan phim Busan, thắng giải của ban giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam cùng năm. Doanh thu phim đạt khoảng 68 tỷ đồng doanh thu theo thống kê của Box Office Vietnam.
Đáng chú ý, bộ phim được coi đã góp phần đưa áo dài gạch bông trở lại trong đời sống hiện đại, tạo cơn sốt một thời.
“Công tử Bạc Liêu” là phim hư cấu xoay quanh nhân vật chính Ba Hơn, lấy cảm hứng ”Công tử Bạc Liêu” ngoài đời - Trần Trinh Huy (1900-1974), do Lý Minh Thắng đạo diễn.
Trái với những câu chuyện ăn tiêu trác táng đã gắn liền với người thật, phim là hành trình Ba Hơn vượt qua các quy định xã hội dưới thời Pháp thuộc để khẳng định giá trị của người Việt, thông qua tư tưởng đột phá và thói “chơi ngông” của mình.
Tuy nhiên do sự thiếu rõ ràng trong cách quảng bá và định hình nhân vật mà khán giả nhận xét phim “tẩy trắng, tô hồng” cho một người được biết đến là chỉ lo phung phí tiền bạc vì mục đích cá nhân./.
Theo Vietnam+