Tuyên bố chung được ký bởi Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, trong đó thống nhất việc đánh giá về ảnh hưởng từ các nhà cung cấp thiết bị 5G nước ngoài đến vấn đề an ninh quốc gia trong quá trình chọn lựa nhà cung cấp, kể cả sự minh bạch về quyền sở hữu và cam kết đối với quyền sở hữu trí tuệ.
Séc và Mỹ ký cam kết hợp tác về an ninh mạng 5G
“Việc bảo vệ mạng truyền thông khỏi sự gián đoạn hoặc thao túng từ nước ngoài và đảm bảo quyền riêng tư và quyền tự do cá nhân của công dân Hoa Kỳ và Cộng hòa Séc là rất quan trọng để đảm bảo rằng người dân của chúng ta có thể tận dụng các cơ hội kinh tế to lớn mà 5G mang lại”, tuyên bố nêu rõ.
Chính phủ Hoa Kỳ đang thực hiện nhiệm vụ gây ảnh hưởng đến càng nhiều quốc gia càng tốt nhằm cấm nhà cung cấp thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc trong việc triển khai mạng 5G của họ, với khẳng định rằng việc sử dụng thiết bị hoặc phần mềm từ một công ty có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc sẽ mang lại những rủi ro về bảo mật.
Huawei đã bác bỏ các cáo buộc từ Hoa Kỳ nhưng điều đó không ngăn được một số quốc gia cấm hoàn toàn hoặc chỉ cho phép hạn chế Huawei tham gia vào việc triển khai mạng 5G của họ.
Về phần mình, Văn phòng Viễn thông Séc (CTU) trước đây đã cảnh báo rằng việc sử dụng sản phẩm của Huawei và ZTE của Trung Quốc có thể gây rủi ro cho an ninh mạng 5G.
Dự kiến cuộc đấu giá phổ tần 5G tại Séc sẽ diễn ra vào tháng 1 vừa qua nhưng đã bị hoãn lại cho đến cuối năm nay nhằm để phù hợp với những thay đổi do chính phủ đưa ra trong chính sách đấu giá. Cuộc đấu giá phổ tần tại Séc sẽ được thực hiện ở băng tần 700 MHz và 3,5 GHz.
Theo cựu Giám đốc Văn phòng viễn thông Séc, Jaromir Novak thì những thay đổi của chính phủ đối với cuộc đấu giá 5G theo kế hoạch có nguy cơ trì hoãn việc triển khai các mạng di động thế hệ tiếp theo và có khả năng dẫn đến tranh chấp tại tòa án.
Theo PHAN VĂN HÒA (Vietnamnet)